Thứ nhất, đối mặt với ảnh hưởng của sự phân hóa giàu nghèo
Nhìn nhận cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid gây ra cho các quốc gia toàn cầu, điều đầu tiên dễ nhận thấy là câu chuyện về ảnh hưởng của sự phân hóa giàu nghèo. Thực tế cho thấy nhất là ở các nước phát triển, những khu dân cư nghèo nàn và đông đúc, có tỉ lệ lây lan cao hơn và hậu quả của dịch bệnh nặng hơn khi không có các điều kiện về cách ly và chăm sóc y tế cơ sở ban đầu đúng mức. Các tầng lớp khác nhau đối diện với rủi ro về sức khỏe và điều kiện y tế chăm sóc khác nhau, dẫn đến việc phòng chống dịch không mang lại hiệu quả như nhau.
Bảo vệ những người yếu thế phải được đặt lên hàng đầu trong các chính sách phòng chống dịch đóng cửa, giãn cách xã hội... Những người mất việc làm đầu tiên trong đại dịch là những người có công việc bấp bênh nhất. Một ví dụ điển hình tại Pháp, ngay những tháng đầu của đại dịch, 54% công nhân và 35% nhân viên phải thất nghiệp tạm thời, trong khi đó 81% những người làm quản lý thì vẫn giữ được công việc và làm việc ở nhà (nguồn Viện thống kê Pháp – INSEE 2020).
Gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 như mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn... Đvt: %. Nguồn: Thời báo Tài chính
Đại dịch Covid 19 không chỉ chỉ ra những hệ quả của sự phân hóa giàu nghèo mà còn tạo thêm khoảng cách này, vì những tầng lớp bấp bênh nhấp là tầng lớp bị ảnh hưởng nhất vì đại dịch: mất thu nhập, không có điều kiện bảo vệ sức khỏe hay chăm sóc sức khỏe trong đại dịch.
Vì vậy ngoài những biện pháp giảm chênh lệch giàu nghèo đã được nhiều chính phủ các nước thực hiện (chủ yếu qua công cụ thuế), thì các hỗ trợ tức thời tập trung vào tầng lớp yếu thế nhất của xã hội là biện pháp được đẩy mạnh bởi các chính phủ. Tại Việt Nam, đất nước mà sự phân hóa giàu nghèo với tầng lớp trung bình dưới áp đảo, để áp dụng được điều này cần có các tuyến cơ sở nắm rõ tình hình dân cư và các chính sách đồng nhất.
Chính phủ cần thực hiện chính sách phân chia đồng đều nguồn lực về y tế giữa các tỉnh thành phố vùng miền để sẵn sàng cho một cuộc ứng phó trên diện rộng của đại dịch thay vì tập trung nguồn lực y tế ở các thành phố lớn, chi phí và hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều khi đại dịch xảy ra khắp nơi.
Phát triển khả năng thiết kế các sản phẩm bảo hiểm cho mọi tầng lớp - quỹ rủi ro toàn xã hội - với mức đóng góp cần xác định, xây dựng mô hình lượng hóa các rủi ro ở diện rộng như đại dịch, cũng là một hành động có thể triển khai ngay trong và sau đại dịch.
Ngoài ra việc kêu gọi sức dân, sự hỗ trợ của người dân trên tinh thần "lá lành đùm lá rách" theo một phương án có tổ chức (quỹ hỗ trợ người nghèo, qũy vacxin với thứ tự ưu tiên…) cũng là một kênh hiệu quả, và rất khả thi tại Việt Nam.
Thứ hai, giải quyết vấn đề nợ quốc gia
Covid-19 khiến hoạt động kinh tế của các quốc gia bị ngưng trệ, mức thu ngân sách giảm trong khi phải liên tiếp đưa ra các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với giá trị lớn là nguyên nhân khiến nợ công của nhiều nước tăng cao.
Tại Châu Âu, ngay với các nước phát triển nhất, chính phủ đối mặt với nợ công tăng và thu ngân sách giảm do đại dịch, gấp nhiều lần so với khủng hoảng tài chính tiền tệ trước đó. Nợ công Pháp năm 2020 là 119% tổng sản phẩm quốc nội GDP so với 98% năm 2019, mức cao nhất do đại dịch Covid, thâm hụt chi quốc gia tăng 3 lần trong một năm (nguồn INSEE). Chính sách giãn cách toàn xã hội, vì sức khỏe người dân “bằng mọi giá” của tổng thống Pháp được đánh đổi - 10% GDP năm 2020 và nợ công tăng 20%. Tại Italie , nợ Chính phủ/GDP đã tăng từ 135% GDP trong năm 2019 lên mức 156% GDP trong năm 2020 chủ yếu do các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh tác động nền kinh tế (nguồn viện Thống kê Italy ISTAT).
Không chỉ Châu Âu, hay Mỹ, các nước phát triển Châu Á cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Nợ công Nhật Bản tăng ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, GDP đã giảm 29% vào quý II/2020 mức giảm tồi tệ nhất được ghi nhận trong bối cảnh Chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được dự kiến khoảng 4% GDP, dự kiến nợ công đến hết năm 2021 tăng 5% so với 2020 (từ 53% lên 58% GDP chưa điều chỉnh – nguồn Bộ Tài Chính) . Không ngoại lệ, chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn để tiếp tục phòng dịch, bảo đảm an sinh xã hội và để có nguồn chi cho đầu tư phát triển góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế.
Điều cần tăng cường cho Việt Nam là sử dụng nợ công như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Dù vậy so với các nước, nợ công Việt Nam được đánh giá ở mức tốt sau một giai đoạn giảm (2016 -2020) thì dù có tăng tiếp 2021 -2023, vẫn ở ngưỡng an toàn nhỏ hơn mức 65% GDP cho phép. Vì vậy, tăng nợ công là một biện pháp cần thiết để phục hồi kinh tế miễn là trong khả năng trả nợ. Chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn để khắc phục hậu quả tiêu cực và hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, con số nợ công sẽ tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Điều cần tăng cường cho Việt Nam là sử dụng nợ công như một đòn bẩy, nếu vận dụng tốt thì sẽ có lợi cho việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Nợ công cao không phải là vấn đề, nhưng vấn đề là phải có danh mục nợ tối ưu, chi phí nợ hợp lý và nợ được sử dụng hiệu quả, nghĩa vụ trả nợ theo hạn được đảm bảo. Rủi ro cao nhất dối với Việt Nam tại thời điểm này không phải là con số trần nợ công, mà là nghĩa vụ trả nợ, tỉ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN đang tăng lên (vượt ngưỡng 25% cho phép). Chấp nhân bội chi và tăng nợ công Việt Nam để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch là hoàn toàn có thể, song quan trọng là kế hoạch trả nợ. Cần có thêm kịch bản cho NSNN trong trường hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát không được như dự kiến, bởi cần xác định, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, thích ứng với diễn tiến tiếp theo của đại dịch và biến đổi khí hậu
Đại dịch Covid được các nước Phương Tây ví như một phép thử của biến đổi khí hậu lên tác động lên sức khỏe. Việc xuất hiện các biến chủng mới ko ngừng làm các nước nhận định Đại dịch Covid cũng như biến đổi khí hậu là một cuộc chiến dai dẳng trường kì.
Nếu đem so sánh 2 vấn đề toàn cầu đang hiện hữu này, đại dịch Covid một mặt thêm vào mối lo toan về những hệ lụy đã thấy của nó, mặt khác đem lại phút nghỉ ngơi giữa các tác động đáng lo ngại của biến đổi khí hậu toàn cầu, dù tác dụng đó rất nhỏ so với mối đe dọa lớn của biến đổi khí hậu. Đại dịch mang đến một thông điệp: lời cảnh tỉnh khẩn cấp rằng các nước phải thay đổi các con đường đã đi xây dựng trên cơ sở nhiều sự phá vỡ những cân bằng về tự nhiên.
Việt Nam trên phương diện quốc tế cần cho thấy sự tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển mình toàn cầu theo hướng này. Đồng thời ở phương diện quốc gia, cần xác định tinh thần: Sống chung với dịch về lâu dài và xây dựng các phương án cho cuộc chiến dai dẳng.
Mở của trở lại là một bài toán cân bằng giữa tiếp tục sống chung với dịch và ảnh hướng kinh tế, sẽ không có câu chuyện chỉ một cái này hoặc một cái kia, tức là ko thể chờ hết hẳn dịch mới mở cửa kinh tế, hay tiếp tục chiến lược KHÔNG Covid bằng mọi giá.
Bài toán này với các nước Âu Mỹ là sống chung với dịch từ đầu, tại Việt Nam chiến lược 0 Covid đã phát huy tác dụng ở thời điểm đầu, tuy nhiên đến giai đoạn dịch bùng phát và kéo dài quá một thời gian nhất đinh, chiến lược này cần thay đổi và hoàn toàn có thể áp dụng các kinh nghiệm của các nước, cả kinh nghiệm cần tránh lẫn kinh nghiệm cần áp dụng trong tâm thế sống chung và đối diện với đại dịch.
Thứ tư, các bài học về hỗ trợ doanh nghiệp
Phản ứng nhanh của các Chính phủ trong đại dịch là điểm chung dễ nhân thấy ở các quốc gia. Ngay tháng 3/2020, Chính phủ Pháp thông báo thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 45 tỷ EUR (khoảng 50 tỷ USD) nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, người dân và các lĩnh vực khác gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, bao gồm trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ người cho vay, tăng chi cho các hoạt động an sinh xã hội, hô trợ kinh doanh cho người dân nếu các cửa hàng bị đóng cửa… Ngân hàng Trung ương Châu Âu và cục dự trữ liên bang mỹ liên tiên tung ra những gói hỗ trợ hàng trăm hàng nghìn tỉ đô la.
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các chuỗi cung ứng cho nhiều doanh nghiệp, đồng thời khiến nhu cầu bên ngoài sụt giảm mạnh, trong khi các biện pháp mà Chính phủ áp dụng, trong đó có việc ban bố tình trạng khẩn cấp đã khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước bị đình trệ. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp từ Chính phủ là điều cực kì cần thiết để doanh nghiệp có thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn vì tiêu dùng sụt giảm, nhưng nhất là để có phương án thay đổi mô hình kinh doanh thích ứng với điều kiện mới.
Về tác động của Covid 19 tới doanh nghiệp Việt Nam, hơn 53% doanh nghiệp Việt Nam đang tạm ngưng hoặc hạn chế một phần hoạt động kinh doanh, 65% doanh nghiệp đang cắt giảm lao động dưới các hình thức (giảm nhân sự, giảm lương, giảm giờ làm…, hơn 60% doanh nghiệp sẽ tạm ngưng hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh nếu phải làm việc từ xa (nguồn khảo sát Base & FTP). Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các gói hỗ trợ tuy nhiên gặp phải các vấn đề về triển khai và quy trình dẫn đến tác dụng chưa được phát huy như ở một số nước. Việt Nam cần có hệ thống tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hãy dùng bài học quốc tế để khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp theo xu hướng tìm ra các giải pháp ứng dụng, mô hình mới để thích nghi với hệ quả dai dẳng của đại dịch.
Điều này cũng sẽ giúp trả lời câu hỏi về tiền đề tiếp theo của một cuộc khủng hoảng kinh tế khi các trợ giúp của nhà nước dừng lại. Các doanh nghiệp cần tìm ra giá trị mới thay vì tìm cách làm lại những thành quả cũ. Trên thực tế, có nhiều kinh nghiệm về các doanh nghiệp tìm ra các cơ hội kinh doanh mới trong thời kì khủng hoảng thay vì trông chờ toàn bộ vào gói hỗ trợ của Chính phủ, vốn chie nên được coi là một đòn bẩy bệ đỡ. Các công ty có thể tạo sản phẩm gần gũi, địa phương hóa thay vì toàn cầu hóa và quay trở lại những nhu cầu cơ bản lớn nhất trên thế giới hiện nay là các sản phẩm cho nhu cầu về sức khoẻ, nhà ở sạch sẽ, môi trường an toàn, thực phẩm tốt, công nghệ tiện năng thông minh ... Đặc biệt, công nghiệp y tế và các công nghiệp bổ trợ đặt vào trọng tâm với các mô hình biến chuyển linh hoạt, đây là một thách thức và nhưng cũng có thể là lợi thế đối với Việt Nam.
Chính phủ cùng các doanh nghiệp hãy chăm chú đến giải pháp chứ ko phải đến vấn đề, hãy đừng chờ vấn đề dừng lại (hết dịch Covid) mà hãy sáng tạo để ra giải pháp và tiếp tục sống trong vấn đề đó.
Cuối cùng, thay đổi tư duy (mindset) của các chủ thể kinh tế
Đại dịch đặt ra một yêu cầu không thể thay thế được, đó là khả năng thích ứng của các chủ thể kinh tế : Chính phủ, thể chế, doanh nghiệp, người lao động… Trong một nghiên cứu toàn cầu vừa được IBM công bố, có đến hơn 50% các nhà lãnh đạo được phỏng vấn cho biết họ hoàn toàn “không được chuẩn bị” để đối phó với bối cảnh phức tạp và bất ổn này. Tuy nhiên, đó cũng là cách, là bối cảnh cho nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp, tạo ra những cơ hội và biến đổi ngoạn mục, từ thay đổi mô hình chiến lược kinh doanh, đến các phương thức, quy trình làm việc… Khả năng thích ứng đi kèm với khả năng sáng tạo. Chưa bao giờ các động thái thay đổi của các chủ thể kinh tế, các sáng tạo của các doanh nghiệp, lại được thực hiện trong thời gian ngắn và ngoạn mục đến thế.
Đối với Việt Nam, đây là bài test cho chính phủ và khối doanh nghiệp. Thích ứng là chuẩn bị các kịch bản cho mọi tình huống. Nó đòi hỏi cả sự nhất quán giữa các quyết đinh từ cấp độ chính phủ tới các doanh nghiệp, vì trong quá trình chuyển đổi, nguyên nhân tác động đến các rủi ro đến các doanh nghiệp thường bắt đầu từ quyết định của chính phủ. Việc thay đổi tư duy, sống chung với dịch, trong tâm thế sẵn sàng, minh bạch sẽ giúp Chính phủ ở gần phía giải pháp cho các doanh nghiệp.
Kết luận lại, đại dịch Covid 19 đem đến nhiều biến đổi, từ cấp độ quốc gia tới cấp độ quốc tế, không quốc gia nào dù ít dù nhiều tránh khỏi ảnh hưởng đa phương diện và toàn cầu của cuộc khủng hoảng này. Những thách thức đối với Việt Nam có dấu ấn của những vấn đề chung toàn cầu và những dấu ấn nội bộ quốc gia. Việc nhìn nhận những vấn đề, những biến chuyển từ thế giới sẽ giúp Việt Nam đúc kết những kinh nghiệm chung, và nhìn nhận những vấn đề riêng để có những thay đổi chiến lược phù hợp, cả trong cách nghĩ cách làm, trong giai đoạn đại dịch hiện thời và có thể lâu dài sau này./.
Lê Võ Phương Nga (Theo Diễn đàn doanh nghiệp)