Thời gian qua, nhiều loại nguyên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi... đồng loạt tăng giá khiến giá thành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam bị đội lên cao đáng kể.
Riêng với mặt hàng phân bón, giá tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1/2021, theo thông tin Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cung cấp tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên giả cả nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp dễ bị tác động bởi ngoại cảnh.
Nhiều cuộc họp đã diễn ra, trong đó phải kể đến Hội nghị trực tuyến về đề xuất giải pháp bình ổn thị trường phân bón do liên Bộ Công thương-Bộ NN-PTNT đồng tổ chức hôm 11/8 với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, đại diện các Sở Công thương 13 tỉnh thành thuộc khu vực ĐBSCL, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân bón, hóa chất.
TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng: nhìn lại lịch sử ngành nông nghiệp Việt Nam suốt mấy chục năm qua, mục tiêu của ngành nông nghiệp thay đổi theo từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Ở giai đoạn trước, Việt Nam còn đói nghèo, phải nhập lương thực nên mục tiêu là phải đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo. Cũng chính vì thế mà người dân Việt Nam phấn đấu thâm canh tăng vụ, bón nhiều phân, phun nhiều thuốc để đạt sản lượng, năng suất cao. Kết quả là Việt Nam đã đạt được mục tiêu đề ra, đảm bảo an ninh lương thực, thậm chí dư thừa để xuất khẩu.
Đến giai đoạn sau, mục tiêu của ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi, hướng tới phát triển bền vững, giảm về lượng, tăng về chất, đảm bảo sạch sẽ, an toàn...
Giá phân bón trong nước tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay. Ảnh: VNEconomy
Riêng với vấn đề vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón, TS Lê Hưng Quốc cho rằng cần nhìn nhận rõ thực tế. Trước đây, Việt Nam không có phân hóa học, phải lên rừng lấy cây cỏ làm phân xanh, nuôi bèo hoa dâu, trồng cây điền thanh... cho vào chuồng lợn để làm phân chuồng, nhưng không đáp ứng được yêu cầu thâm canh lúa. Cuối cùng phải dùng phân hóa học, nhưng do còn nghèo, Việt Nam nhờ phía Trung Quốc hỗ trợ làm Đạm Hà Bắc, lượng đạm cung cấp không đủ. Sau này, có sự tham gia của ngành dầu khí vào sản xuất phân bón, Việt Nam không còn lo thiếu đạm.
Tương tự, nhờ có mỏ apatit, Việt Nam sản xuất được phân lân, thậm chí còn dư thừa.
Riêng kali, do Việt Nam không có mỏ, phải sử dụng mỏ apatit của Lào nhưng cũng không đáng kể do đó phải nhập. Còn DAP do công nghệ phức tạp, đầu tư lớn, doanh nghiệp không có lãi không làm nên Việt Nam cũng phải nhập.
Nhìn nhận việc nhập khẩu phân bón của Việt Nam, TS Lê Hưng Quốc cho rằng đó là chuyện bình thường và do sự điều tiết của thị trường bởi ai có thế mạnh gì thì phát huy sản xuất, còn cái gì yếu, làm kém và không cạnh tranh được thì phải nhập, quan trọng là không để nhập siêu.
Trước tình hình giá phân bón tăng cao và người chịu thiệt cuối cùng là người nông dân, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, không nên quá bi quan bởi vấn đề gì cũng có hai mặt.
"Chuyện này không có gì đáng sợ. Nhà nước khó mà can thiệp được vì ngân sách hạn chế, hãy cứ để bàn tay thị trường điều chỉnh.
Là người làm nông nghiệp mấy chục năm, tôi chắc rằng khi thức ăn chăn nuôi, giá phân bón, thuốc trừ sâu đắt thì người nông dân sẽ có ngay cách xử lý bằng cách tự điều chỉnh, giảm bớt lượng thức ăn công nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí như thức ăn chăn nuôi người dân còn tìm cách tự chế biến lấy.
Giảm bớt 40-50% lượng phân bón, thức ăn công nghiệp cũng không hề gì, thậm chí chất lượng sản phẩm còn tốt hơn, sạch hơn. Còn phía doanh nghiệp nếu không cải tiến công nghệ, chất lượng sản phẩm, không giảm giá thì đóng cửa vì chịu không thấu. Nhà nước cũng không thể làm thay doanh nghiệp được", ông Lê Hưng Quốc bày tỏ quan điểm.
Đứt gãy chuỗi cung ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Ngành nông nghiệp làm gì?
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới toàn bộ nền kinh tế và gây ngưng trệ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất, đứt gãy kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nông sản.
Đặt câu hỏi về sự chủ động của ngành nông nghiệp để giải quyết tình trạng này, TS Lê Hưng Quốc cho rằng:
"Để điều khiển được thì phải có sức mạnh vật chất, mà vấn đề này e rằng rất khó vì chúng ta không có thực lực, mà lại không thể áp đặt duy ý chí. Chuỗi nông sản phải do doanh nghiệp đứng ra làm, doanh nghiệp tập hợp thương lái, điều khiển hợp tác xã... còn Nhà nước phải lo đất đai, sửa luật, cho vay vốn, thế chấp, tín dụng lãi suất thấp, giảm thuế...", ông Quốc nói.
Ngay cả việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng không chờ đến khi tư lệnh ngành đề nghị tính phương án giảm diện tích trồng lúa, thay vào các cây trồng khác cho hiệu quả thì người dân ĐBSCL đã chủ động làm việc này từ lâu.
Theo đó, thay vì trồng lúa 3 vụ, người dân ĐBSCL chuyển sang chỉ trồng lúa 1-2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản rất hiệu quả, tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn.
"Chính thị trường sẽ quyết định sự chuyển đổi, cái gì hiệu quả người dân đều biết. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên làm việc lớn, bắt bệnh đúng, dùng thuốc đúng, tránh họp hành nhiều mà không giải quyết được gì", TS Lê Hưng Quốc kết luận./.
Theo Đất Việt