Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Chậm xếp hạng tín nhiệm là thiếu sót
Nội dung đáng chú ý nhất tại Nghị định 08 là gia hạn cho các DN phát hành TPDN. Xét về bản chất, đây là thỏa thuận dân sự, nghĩa là giữa bên phát hành trái phiếu và bên mua (người vay - nhà đầu tư), phải trên cơ sở thỏa thuận và đồng thuận giữa các bên chứ không thể áp đặt. Thỏa thuận không đạt được, nhà đầu tư vẫn không thỏa mãn nhưng Nhà nước can thiệp vào thì tính sao? Rõ ràng đây là vấn đề cần phải đặt ra, và tôi nghĩ sẽ xảy ra trong thời gian tới khi áp dụng quy định này.
Tiếp đến là vấn đề quy đổi nợ. Đây cũng là vấn đề thuộc về thỏa thuận dân sự giữa bên vay nợ và bên chủ nợ (có thể là cầm cố nợ, gán nợ, trả nợ, xóa nợ…), từ xưa đến nay đã có. Bất cập ở đây là thỏa thuận về gia hạn nợ. Lẽ ra việc này trước kia đã phải cho phép rồi, bây giờ mới cho phép là hơi muộn.
Theo tôi, điều cần thiết trong quy định sửa đổi phát hành trái phiếu lần này là cần phải có sự đánh giá, xếp hạng về tín nhiệm; thế nhưng Nghị định 08 lại lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm. Tiêu chí này là cần thiết nhưng lại thiếu và đây là điều đáng tiếc.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế - Học viện Tài chính: Chỉ là giải pháp tạm thời
Đây là giải pháp tình thế, tạm thời tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các DN trong phát hành trái phiếu cũng như đầu ra. Đầu tiên, DN không cần xếp hạng tín nhiệm, cũng có nghĩa là sẽ “nới rộng” cho các DN có thể phát hành được trái phiếu. Ngoài ra, Nghị định 08 không bắt buộc trả nợ trong thời gian ngắn. Điều này có nghĩa là nhiều DN có thể phát hành trái phiếu trong thời gian đủ dài để có thể phục hồi được nguồn vốn từ bán trái phiếu. Bên cạnh đó là quy định cho các DN kéo dài thời hạn trái phiếu phát hành đến 2 năm. Thực ra, về mặt nguyên tắc thì các DN sẽ vẫn phải đàm phán với trái chủ, song đây được hiểu là sự đảm bảo của Nhà nước về việc này. Nghị định 08 cũng cho phép các nhà đầu tư không chuyên nghiệp quay trở lại và tham gia thị trường TPDN. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN phát hành trái phiếu cũng như nhà đầu tư.
Nói chung, Nghị định 08 có thể xem là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt vào thời điểm hiện nay cho các nhà phát hành trái phiếu (huy động vốn và giãn hoãn nợ) cũng như các nhà đầu tư trong đa dạng hóa kênh đầu tư (chủ yếu là cho phép các nhà đầu tư không chuyên quay trở lại thị trường này).
TS VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế: Chưa chú trọng đến quyền lợi trái chủ
Những sửa đổi của Nghị định 08 trước mắt chỉ chú ý đến ý chí, nguyện vọng và đề xuất từ phía các nhà phát hành TPDN với kỳ vọng họ có thể tiếp tục được phát hành trái phiếu để đáo hạn trả phiếu đã hết hạn.
Nghị định 08 chưa chú ý nhiều đến những vấn đề cốt lõi cần tháo gỡ của thị trường TPDN hiện nay. Cụ thể là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường TPDN đang sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư vào các trái phiếu đến nay không thể đáo hạn, thậm chí lan sang cả các DN thuộc nhóm ngành khác, không bó hẹp trong nhóm DN bất động sản. Họ chưa đề cập đến nguyện vọng và lợi ích của nhà đầu tư.
Do vậy, trong thời gian tới, sau khi áp dụng Nghị định 08, có thể nhiều DN sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để đáo hạn, song thị trường có lấy lại niềm tin, nhà đầu tư có mặn mà và mua trái phiếu hay không lại là chuyện khác. Chưa kể là những quy định về thời hạn trả nợ trái phiếu của các DN dù được nới dài thêm theo quy định của Nghị định 08, song các nhà đầu tư có chấp nhận hay không vẫn là vấn đề còn phải bàn luận nhiều.
TS LÊ DUY BÌNH, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam: Cơ hội để các nhà phát hành “sửa sai”
Theo tôi, Nghị định 08 đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trước mắt cho DN phát hành lẫn thị trường vốn. Thực ra, nhiều quy định trong Nghị định 08 đã được DN phát hành trái phiếu thực hiện trước đây, như việc hoán đổi trái phiếu sang tài sản… Nhưng việc Nghị định 08 quy định cụ thể về việc này sẽ tạo ra nền tảng pháp lý tốt hơn. Hay như việc các DN buộc phải tự đàm phán và thỏa thuận với các trái chủ về gia hạn thời hạn trả nợ trái phiếu của mình vì không thể đảm bảo thực hiện đúng các cam kết trong thời gian qua cũng xảy ra rất nhiều, nhưng cái thiếu là khuôn khổ pháp lý cụ thể.
Bản chất của Nghị định 08 là trao cho các DN cơ hội để “sửa sai” những điều do chính họ đã gây ra trước đó cho thị trường trái phiếu. Đây là cơ hội các nhà phát hành không nên bỏ qua, khi mà “quả bóng” đã được đặt dưới chân các nhà phát hành. Hy vọng tới đây trần lãi suất huy động cũng như lãi vay sẽ hạ, góp phần gỡ khó cho các DN và tạo sự khởi sắc cho thị trường vốn.
Ông VÕ HỒNG THẮNG, Phó Giám đốc Nghiên cứu và phát triển, Tập đoàn DKRA Việt Nam: Tìm cách lấy lại niềm tin của trái chủ
Thực tế, từ cuối quý 3-2022, nhiều DN bất động sản đã chủ động thực hiện đàm phám với trái chủ về việc dùng tài sản khác (như bất động sản, cổ phiếu…) để thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có hành lang pháp lý cụ thể để DN thực hiện, và các thỏa thuận giữa DN và trái chủ mang tính tự nguyện. Hiện nay, hành lang pháp lý đã có. Tuy nhiên, để DN có thể tự “cứu” mình, cần sự đồng thuận và hỗ trợ của tất cả các bên, trong đó có sự đồng thuận từ trái chủ. Trong bối cảnh niềm tin của các trái chủ “chạm đáy” như hiện nay thì các DN không thể chỉ “hứa suông” mà đòi hỏi phải có một phương án kinh doanh chi tiết, hoạch định dòng tiền trả nợ một cách cụ thể thì mới có thể thuyết phục trái chủ đồng thuận.
Nghị định 08 đồng thời “bật đèn xanh” cho các DN có thể đẩy mạnh triển khai cơ chế đổi trái phiếu lấy tài sản (nhưng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự). Nghị định cũng được kỳ vọng giúp hình thành khung hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn, giúp thị trường phục hồi và tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Ông NGUYỄN VĂN HẬU, Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản Asian Holding: Giảm áp lực cho doanh nghiệp
Nghị định 08 có tác động rất tích cực cho DN, nền kinh tế. Thời gian qua, nhiều DN đã phải mua lại trái phiếu trước hạn dù nguồn tiền mặt hầu như cạn kiệt. Việc này đã gây khó khăn rất lớn cho DN, vì phần lớn nguồn vốn bằng tiền mặt của họ đã đi vào các dự án bất động sản. Nhiều DN đã bán các tài sản mà họ có để trả nợ trái phiếu trước hạn.
Việc gia hạn trái phiếu 2 năm cũng khiến tâm lý DN phát hành trái phiếu thoải mái hơn. Các DN có thêm thời gian để thương thảo, giải quyết việc trả lãi, quyết toán… trái phiếu với khách hàng. Áp lực mua lại trước hạn cũng như lượng trái phiếu đáo hạn tập trung chủ yếu giai đoạn 2023-2025, nhưng với nghị định này đã được giãn ra. Điều đó sẽ giúp DN có điều kiện để xoay xở và chuẩn bị. Thống kê cho thấy, năm 2023, áp lực khá lớn với thị trường trái phiếu khi có 205.000 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, trong đó 104.000 tỷ đồng trái phiếu của các DN bất động sản. Nghị định số 08 được ban hành sẽ là yếu tố quan trọng nhằm giúp thị trường đi qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Nguồn SGGP