Người dân vào lăng viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân.”
Đảng mạnh vì gắn bó với nhân dân
Cách mạng Việt Nam đạt nhiều thắng lợi vĩ đại vì đã tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, nhờ huy động được sự ủng hộ hết mình của các tầng lớp nhân dân.
Trong tất cả các thời kỳ của cách mạng, Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ và đề cao “mối quan hệ cá-nước” giữa Đảng với dân.
Bác Hồ căn dặn các cán bộ, đảng viên: Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững thì cây mới bền. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu các cán bộ, đảng viên: Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.
Biểu hiện rõ nhất của mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với dân là các hoạt động của Đảng đều nhằm mục đích phụng sự nhân dân, phục vụ lợi ích của dân tộc. Các chủ trương, đường lối của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân, dựa trên nguyện vọng của nhân dân.
Với sự đồng thuận và ủng hộ, không ngại hy sinh, gian khổ của nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào tháng 4/1975, đưa đất nước bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ VI (12/1986) Đảng chủ trương “Quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học.” Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, công cuộc đổi mới sau hơn 36 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Quy mô kinh tế của đất nước tăng gấp hơn 12 lần; thu nhập bình quân đầu người (theo sức mua tương đương - PPP) năm 2022 đạt khoảng 13.075 USD; kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 29,5 lần ở mức 732,5 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần; tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều chỉ còn 3,6%, cả nước có 5.869/8.225 xã (chiếm 71,4%) đạt chuẩn nông thôn mới…
Để chống lại âm mưu của kẻ thù phá hoại “mối quan hệ cá-nước,” ngăn chặn nguy cơ phai nhạt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đảng ta luôn luôn coi trọng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực để củng cố niềm tin của người dân.
Kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII (Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đã đặt ra yêu cầu cao về việc đẩy mạnh ý thức tự phê bình và phê bình từ phía cán bộ, đảng viên; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “lợi ích nhóm,” sự quan liêu của cán bộ, đảng viên, thái độ xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Thực tế những năm qua cho thấy, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ và đã đạt những kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đảng liên hệ với dân thông qua từng đảng viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải yêu kính nhân dân, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Đảng củng cố mối quan hệ của mình với nhân dân bằng sự gương mẫu, trong sạch của các đảng viên. Theo cách nhìn nhận của đa số quần chúng nhân dân, uy tín của Đảng không nằm ở khái niệm trừu tượng, vấn đề vĩ mô, mà gắn liền với phẩm chất, hành vi thường nhật của từng đảng viên mà họ có mối liên hệ.
Ngày 7/6/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Quy định yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.
Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.”
Ông Kim Ruône (sinh năm 1959, trú ở ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là một trong rất nhiều đảng viên như thế. Làm Bí thư Chi bộ ấp Bót Chếch từ năm 2004 đến nay, ông Kim Ruône luôn gần gũi dân, khéo léo lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Kim Ruône, Bí thư chi bộ ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành là người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Khmer chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)
Ông sẵn lòng giúp đỡ những gia đình khó khăn, cho 2 gia đình mượn đất sản xuất, mỗi gia đình 0,5ha trồng màu, đến nay họ đã thoát nghèo. Để người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, ông Kim Ruône chuyển 1.000m2 đất trồng lúa sang trồng mướp đắng, dưa chuột, kết quả là thu nhập tăng hơn 3 lần. Từ đó, toàn ấp đã chuyển đổi gần 20ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Gia đình ông còn hiến 800m2 đất để làm đường. Học tập gia đình Bí thư Chi bộ, hàng chục hộ dân đã hiến trên 2ha đất, đóng góp hàng trăm lượt ngày công xây dựng các tuyến đường trong ấp, giúp người dân đi lại thuận tiện…
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."
Kết quả thực hiện Kết luận số 01-KL/TW tại tỉnh Long An cho thấy, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực thông qua việc xây dựng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được triển khai, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nghèo cho người dân, củng cố lòng tin đối với Đảng, chính quyền. Hội Nông dân tỉnh có hai mô hình “Tuyến đường xanh, dòng kênh sạch” và “Mái ấm nông dân;” Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có mô hình “Nuôi heo đất hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình;” huyện Đức Huệ có mô hình “Bát cơm nghĩa tình”…
Cũng nhằm củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, ngày 2/1/2020, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 213/QĐ-TW quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác phải thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú. Theo đó, các đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; gần gũi, gắn bó với nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của nhân dân nơi cư trú; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Mô hình “đảng viên quân hàm xanh nơi biên cương” là sáng kiến của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng với mục đích củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân vùng biên giới, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, đảng viên các đồn biên phòng sẽ được phân công phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên là một trong những đơn vị thực hiện tốt mô hình “đảng viên quân hàm xanh nơi biên cương.”
Hiện nay, tại tất cả 29 xã biên giới của tỉnh Điện Biên, mô hình đảng viên biên phòng phụ trách hộ gia đình đã bước đầu mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên ổn định đời sống, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân-dân, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với đồng bào ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Việc thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân được thực hiện một cách thiết thực qua những hoạt động cụ thể, không chỉ ở chủ trương tổng quát, vĩ mô, không chỉ thông qua các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư hay Bộ Chính trị, mà còn qua sự gương mẫu của cán bộ, thái độ chân thành, gần gũi với quần chúng, sự vận động tuyên truyền tích cực từ phía hơn 5,3 triệu đảng viên ở gần 52.000 tổ chức cơ sở đảng.
Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân được phản chiếu qua mối liên hệ cụ thể của từng đảng viên với quần chúng nhân dân./.
Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)