Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua Cảng Hải phòng. (Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) sau hai năm thực thi đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, trong đó những ngành hàng như: dệt may, da giày đặc biệt là nông sản được đánh giá là có nhiều lợi thế để gia tăng thị phần tại thị trường này.
Gia tăng thị phần xuất khẩu
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy 8 trong số 12 ngành hàng có nhiều dư địa phát triển tại thị trường EU khi thực thi Hiệp định EVFTA thì thực tế sau 2 năm, từ thủy, hải sản, rau quả/trái cây tươi, càphê, hạt điều, hồ tiêu, cao su và gạo đều cho những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ cả số lượng và giá trị thu được.
Cụ thể hơn, sang năm thực thi thứ hai (từ 1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể.
Đơn cử, hạt tiêu tăng 81,3%, càphê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ/hải sản tăng 22,7%... Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cũng cao hơn năm trước (như thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%).
Chỉ dẫn chứng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngay lập tức khoảng 50% dòng thuế trong lĩnh vực nông nghiệp được giảm về 0% cũng đã cho thấy sức hấp dẫn và lợi ích đạt được từ thị trường này.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin chỉ trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của doanh nghiệp tăng tới 68%, trong đó châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp và gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp được xuất sang thị trường này.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều doanh nghiệp gạo khác có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA để tăng cường xuất khẩu gạo và đạt được bước tăng trưởng tương đối tốt.
“Sau gạo, công ty đang tập trung phát triển các sản phẩm sau gạo như bún khô, phở khô, những sản phẩm này tiếp tục được nhập khẩu vào thị trường châu Âu và được thị trường đón nhận rất tích cực,” ông Phạm Thái Bình nói.
Còn theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Rõ rệt nhất là đến hết quý 2/2022, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
“Những kết quả trên cho thấy, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội từ thị trường, cũng như các cơ hội thuế quan của EU để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này,” đại diện VASEP chia sẻ.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường với giá trị gia tăng cao như EU đã góp phần nâng thu nhập cho người nông dân. Về dài hạn, khi đã quen với những điều kiện và tiêu chuẩn cao của EU thì tác động về cải thiện thu nhập cũng càng rõ rệt.
Tập trung xây dựng thương hiệu ngành hàng
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng tác động của Hiệp định EVFTA là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, đa số các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%. Còn với các nhóm hàng truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ… thì khi có EVFTA cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%.
Tuy vậy, với một thị trường lớn với những tiêu chuẩn rất khắt the, theo ông Hải, việc tuân thủ đúng các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ là rất quan trọng, bởi đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác.
Tuy vậy, đánh giá từ thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng nông sản khi xuất khẩu vẫn là sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô hoặc tỷ lệ sơ chế rất thấp. Do đó, ông Trần Thành Hải cho rằng, để sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn thì vai trò của thương hiệu rất lớn.
Theo ông, thương hiệu cũng là một công cụ, phương tiện để doanh nghiệp có thể tiêu thụ được sản phẩm, vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao giá trị khi xuất khẩu.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần hợp sức tạo dựng thương hiệu gạo Việt Nam ở thị trường này, ví dụ như truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn châu Âu trên nền loại gạo ngon nhất của Việt Nam vẫn còn được công nhận, để hạn chế những vụ việc như hàng hoá bị trả về do vi phạm các tiêu chuẩn ở thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu./.
Đức Duy (Vietnam+)