Nhân dịp này, phóng viên đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về việc Quốc hội ba nước Lào-Việt Nam-Campuchia nâng cấp họp từ cấp Ủy ban lên cấp Chủ tịch Quốc hội và điều này sẽ giúp gì cho quan hệ hợp tác giữa Quốc hội các nước nói chung cũng như trong công tác theo dõi, giám sát và thúc đẩy các hoạt động của chính phủ ba nước nói riêng?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Như chúng ta đã biết, ngày 20-11-2022 tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Chủ tịch Quốc hội 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia đã ký tuyên bố chung, trong đó nâng cấp cơ chế hội nghị giữa các ủy ban của 3 nước thành hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước. Việc nâng cấp cơ chế hội nghị cấp cao do Chủ tịch Quốc hội chủ trì có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mối quan hệ và hợp tác giữa 3 Quốc hội nói riêng và giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, tại cuộc trả lời phỏng vấn. Ảnh: TTXVN |
Thứ nhất, điều này đã giúp hoàn thiện một cách đầy đủ nhất cơ chế hợp tác giữa 3 Quốc hội. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế gặp gỡ, tiếp xúc, họp làm việc giữa lãnh đạo của 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Chúng ta đã biết thời gian qua đã có cơ chế họp giữa 3 lãnh đạo Đảng của 3 nước, cơ chế họp chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng chính phủ. Bây giờ là cơ chế giữa 3 Quốc hội dưới sự chủ trì của 3 Chủ tịch Quốc hội. Như vậy nó sẽ hoàn thiện cơ chế hợp tác ở mức cao nhất, đầy đủ nhất và toàn diện nhất giữa 3 nước. Đây là một điều hết sức đặc biệt có lẽ chỉ có một không hai trong mối quan hệ đoàn kết giữa 3 nước Đông Dương.
Thứ ba, việc nâng cấp hội nghị lên thành cơ chế họp giữa 3 Chủ tịch Quốc hội cũng giúp đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới. Hiện tình hình thế giới và khu vực, kể cả vùng Đông Nam Á, đang có những chuyến biến rất nhanh chóng và có những tác động rất nhiều chiều tới các nước trong khu vực, trong đó có 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết đòi hỏi cần có một cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn trên tất cả các kênh giữa 3 nước để bảo đảm thúc đẩy một cách đồng đều, đồng bộ và toàn diện quan hệ hữu nghị, đoàn kết và sự hợp tác. Điều này sẽ giúp cho sự hợp tác giữa 3 nước, đặc biệt là trong cơ chế hợp tác Nghị viện, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Việc thiết lập cơ chế hợp tác Nghị viện giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia lên thành cấp cao Quốc hội không chỉ ghi dấu tầm cao mới trong hợp tác Nghị viện mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với các Quốc hội.
Điều này thể hiện ở mấy điểm cụ thể sau: Thứ nhất, góp phần triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối đối ngoại của mỗi nước trong đó có thúc đẩy hợp tác 3 nước trên kênh Nghị viện. Thứ hai, giúp tăng cường củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện và thúc đẩy, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp giám sát thực tiễn giữa 3 Quốc hội với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác về chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân vì sự phát triển bền vững của 3 nước cũng như kết nối 3 nền kinh tế trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Thứ ba, giúp tăng cường giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, các dự án hợp tác được ký kết giữa chính phủ 3 nước cũng như phối hợp thực hiện các thỏa thuận đa phương của 3 nước thành viên. Thứ tư, giúp tăng cường các cuộc trao đổi về các cách thức để phối hợp hoạt động nhằm huy động các nguồn vốn từ các đối tác bên trong và ngoài nước trong khu vực CLV để thực hiện các dự án của Khu vực Tam giác phát triển và các lĩnh vực hợp tác và ưu tiên khác của 3 nước.
Với ý nghĩa quan trọng và toàn diện nói trên, việc Quốc hội 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia nâng cấp cơ chế họp lên mức cao nhất thể hiện được tinh thần đồng hành sâu sắc với chính phủ trong triển khai các thỏa thuận đạt được, đặc biệt là thúc đẩy kết nối 3 nền kinh tế trong Khu vực Tam giác phát triển CLV, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
PV: Trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, ngoài việc dự Hội nghị cấp cao Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn cũng sẽ thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào, Đại sứ đánh giá thế nào về điều này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng: Mục đích chính của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang Lào lần này để dự cuộc họp của Chủ tịch Quốc hội 3 nước, bên cạnh đó Chủ tịch và đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam sẽ có chuyến thăm, làm việc tại nước bạn Lào nhằm mục đích tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hiệu quả giữa hai bên. Lãnh đạo Lào hết sức hoan nghênh chuyến thăm này.
Tuy không phải là một chuyến thăm chính thức nhưng chương trình cũng rất nhiều, thể hiện mối quan tâm rất sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội cũng như của lãnh đạo Việt Nam đối với việc thắt chặt tình đoàn kết và hợp tác giữa hai nước.
Trong dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có các cuộc gặp với nhiều lãnh đạo chủ chốt và cao cấp nhất của Lào để trao đổi một số vấn đề mà hai nước hết sức quan tâm từ góc độ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm tăng cường tính hiệu quả của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, trước hết là những vấn đề còn đang hạn chế trong hợp tác kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo của Lào, điều này thể hiện một tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó, thân thiết, trước sau như một của lãnh đạo Việt Nam đối với nước bạn Lào.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ có cuộc làm việc với doanh nghiệp Việt Nam và gặp gỡ các cán bộ, viên chức của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào và cộng đồng người Việt tại Lào.
Tôi tin rằng chuyến thăm này sẽ không chỉ góp phần quan trọng để tăng cường chất lượng, hiệu quả của mối quan hệ đoàn kết và sự hợp tác toàn diện như các lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã thống nhất trong các kỳ họp vừa qua, mà còn góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ Nghị viện, đây là một lĩnh vực mà tôi cho rằng ngày càng quan trọng giữa hợp tác giữa hai Quốc hội và sẽ có đóng góp không nhỏ vào công cuộc đổi mới cả về mặt chính trị, luật pháp và kinh tế của hai nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn QĐND