Đại sứ Phùng Thế Long (đứng thứ ba từ trái sang) cùng các đại diện tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại Thụy Sĩ. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ vừa phối hợp với chính quyền thành phố Lugano, Tập đoàn Fidiman, Tập đoàn Bellecapital tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của doanh nghiệp Thụy Sĩ tại thị trường Việt Nam.
Phát biểu với các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại thành phố Lugano và thành phố Zurich, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phùng Thế Long đã nêu bật một số thành tựu quan trọng trong quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt năm 2021 là năm có ý nghĩa đối với Việt Nam và Thụy Sĩ, đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm hợp tác phát triển.
Cùng với mối quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam-Thụy Sĩ đã có những tiến triển đáng kể.
Thụy Sĩ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam và đứng thứ 20 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Tại các sự kiện nói trên, Đại sứ Phùng Thế Long đã trao đổi với doanh nghiệp Thụy Sĩ về những định hướng chính sách quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện, ưu tiên khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực đang có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo...
Đại sứ Phùng Thế Long kêu gọi các doanh nghiệp Thụy Sĩ tiếp tục kinh doanh, đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ sẵn sàng hỗ trợ cho các đoàn doanh nghiệp Thụy Sĩ tổ chức những chuyến đi khảo sát thị trường, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp Thụy Sĩ tại Việt Nam.
Hoạt động của Đại sứ Phùng Thế Long tại thành phố Lugano. (Ảnh: TTXVN phát)
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sĩ bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam - đối tác thương mại lớn thứ 4 của Thụy Sĩ trong số các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Lãnh đạo Tập đoàn Bellecapital, Tập đoàn Sonova Holding AG (Thụy Sĩ) đã chia sẻ một số kinh nghiệm thành công trong đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn Sonova Holding AG đã thành lập nhà máy đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2007 nhằm cung cấp các giải pháp về chăm sóc thính lực.
Đến nay, Sonova đã thành lập thêm nhà máy mới, thành lập các trung tâm trợ thính, trung tâm trị liệu thính giác và ngôn ngữ nhằm hỗ trợ về thính giác, phát triển ngôn ngữ cho người khiếm thính tại Việt Nam.
Lãnh đạo Tập đoàn Bellecapital đánh giá cao chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Sau hơn 10 năm đầu tư tại Việt Nam, quỹ đầu tư Galileo - Vietnam Fund, do Bellecapital điều hành, đã hoạt động ngày càng hiệu quả, khai thác dài hạn cơ hội tăng trưởng và môi trường thị trường thuận lợi tại Việt Nam, tập trung trọng tâm các công ty có giá trị hấp dẫn và có triển vọng tăng trưởng.
Tại diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Lugano, Tập đoàn Fidiman đã chia sẻ những thông tin bổ ích về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, kinh nghiệm của Fidiman và các thủ tục pháp lý liên quan đến việc mở công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Tập đoàn Fidiman đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, là thị trường thay thế tự nhiên cho những doanh nghiệp đang tìm kiếm chi phí sản xuất hấp dẫn hơn, đảm bảo sự gắn kết với chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng hậu cần của những thị trường lân cận.
Cũng nhân dịp này, Đại sứ Phùng Thế Long đã có buổi làm việc với chính quyền thành phố Lugano.
Tại buổi làm việc, ông Michele Foletti - Thị trưởng thành phố Lugano - bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa thành phố Lugano và một số địa phương của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp của Lugano mở rộng hoạt động làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
Đại sứ Phùng Thế Long đã cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và sự giúp đỡ tích cực của chính quyền thành phố, hỗ trợ Đại sứ quán và Tập đoàn Fidiman tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư cho các doanh nghiệp Thụy Sĩ tại thành phố Lugano, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn và cần những khuôn khổ hợp tác mới để thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Thành phố Zurich và Lugano đều là những trung tâm kinh tế hàng đầu của Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn tài chính lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thụy Sĩ.
Zurich còn là thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ và được đánh giá là thành phố toàn cầu hạng Alpha và được coi là cỗ máy kinh tế của Thụy Sĩ khi các ngành công nghiệp chính của Thụy Sĩ đều đặt tại đây.
Trong khi đó, Lugano là trung tâm tài chính lớn thứ ba tại Thụy Sĩ, nằm ở trung tâm châu Âu với 21 vùng lân cận, là nơi giao thoa văn hóa giữa Thụy Sĩ và khu vực Địa Trung Hải./.
Tố Uyên-Xuân Hoàng (TTXVN/Vietnam+)