Tại kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 866 người, bầu chọn 500 đại biểu. Dự kiến trong tuần này, danh sách người trúng cử khóa XV sẽ được công bố chính thức.
Điểm đáng chú ý là tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách sẽ được tăng lên so với các nhiệm kỳ trước, phấn đấu bảo đảm ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội là đại biểu chuyên trách. Như vậy, theo Luật tổ chức Quốc hội năm 2020 có hiệu lực từ năm 2021, 200 trong số 500 đại biểu được bầu vào Quốc hội tới đây sẽ là các đại biểu chuyên trách, tức là làm việc toàn thời gian tại Quốc hội, tăng 5% so với Luật tổ chức Quốc hội năm 2014.
Có thể nói, đây là quyết định quan trọng, thể hiện quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phê chuẩn.
Để đảm bảo tính khả thi và chất lượng của ứng cử viên, thời gian qua, các cấp, ngành đã tiến hành bố trí, xem xét nhân sự để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt nhất cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV.
Nhìn lại từ khóa IX, khóa X chỉ có hơn 5% đến gần 7% là đại biểu chuyên trách, đến khóa XIII, XIV, tỷ lệ này đã tăng lên hơn 30% và gần 35%. Đây là xu hướng tất yếu và là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động Quốc hội đang tiến gần hơn tới sự chuyên nghiệp và hiệu quả, vì lợi ích của cử tri và nhân dân cả nước.
Tại Hội nghị gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm với người ứng cử đại biểu Quốc hội lần đầu thuộc khối các cơ quan Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là hạt nhân trong hoạt động của Quốc hội, chất lượng hoạt động, hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội có sự đóng góp rất quan trọng của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Với vai trò lớn như vậy, nên việc tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách trong Quốc hội là xu thế tích cực và tất yếu. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, cơ cấu đại biểu Quốc hội chỉ mang tính định hướng để phấn đấu thực hiện, quyền quyết định cuối cùng về việc lựa chọn đại biểu Quốc hội thuộc về cử tri thể hiện qua lá phiếu bầu.
Không chỉ tăng tỷ lệ mà quan trọng hơn là chất lượng đại biểu chuyên trách cũng phải được tăng lên. Vì thế, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị, giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua phải lựa chọn được những đại biểu ngang tầm nhiệm vụ, thực sự chuyên tâm và chuyên nghiệp.
Ông Đặng Cao Đức, Phó vụ trưởng Vụ 5 ( Vụ Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương) Ban Tổ chức Trung ương cho biết, bên cạnh những tiêu chí về phẩm chất, trình độ thì đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương cần phải là vụ trưởng hoặc có quy hoạch Thứ trưởng trở lên. Trong khi đó, muốn ứng cử đại biểu chuyên trách ở địa phương, phải có quy hoạch Giám đốc sở, ngành trở lên.
Những tiêu chuẩn này theo đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Văn Lâm, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, là những tiêu chuẩn cao nhưng hợp lý và cần thiết bởi nó xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách, và cũng đòi hỏi ứng cử viên phải có một quá trình rèn luyện, phấn đấu để đáp ứng năng lực thực hiện nhiệm vụ rất phức tạp.
Đại biểu Quốc hội khóa XIII Lê Như Tiến cũng cho rằng, tiêu chuẩn cao cũng cho thấy áp lực lên các đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV phải luôn nỗ lực, lấy chất lượng là ưu tiên hàng đầu chứ không phải số lượng hay cơ cấu.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV cho rằng, công việc của Quốc hội ngày càng nhiều, phức tạp, đòi hỏi đại biểu Quốc hội chuyên trách phải dành toàn bộ thời gian, tâm huyết mới có thể gánh vác và hoàn thành được khối lượng công việc đó với chất lượng, tiến độ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống cũng như mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.
Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40% là một trong những mục tiêu để phấn đấu sớm thực hiện được chủ trương của Trung ương trong việc đưa Quốc hội thành một cơ quan ngày càng hoạt động chuyên nghiệp.
Lý do thứ ba của việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách theo vị Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, nó sẽ tạo ra những hoạt động có tính chuyên nghiệp của Quốc hội, và lúc đó, tất cả những vấn đề liên quan đến lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng sẽ có trí tuệ, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Trong hoạt động Quốc hội, đại biểu luôn đóng vai trò cốt lõi trung tâm, được coi là trái tim của Quốc hội, và chất lượng đại biểu là điều luôn được cử tri quan tâm. Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là chuyên trách thì phải gắn với chuyên nghiệp, thực chất, thực quyền, có vậy hoạt động của Quốc hội mới chất lượng, hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nhấn mạnh, nâng đại biểu chuyên trách đối với Quốc hội là rất cần thiết nhưng phải chú ý chất lượng của đại biểu chuyên trách để khi xây dựng luật, góp ý xây dựng luật phải đi vào thực tế cuộc sống.
Theo đại biểu Nghĩa, ngoài trình độ năng lực, học vấn về luật pháp, đại biểu chuyên trách cần có kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với các kênh thông tin, kết hợp với việc đi tiếp xúc cử tri, sẽ giúp đại biểu có những hiểu biết rất phong phú thì việc đóng góp để xây dựng luật mới có giá trị.
Quá trình đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Thực tiễn chứng minh, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách càng cao, chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội càng tăng. Hy vọng tại Quốc hội khóa XV, những người ứng cử đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ giành được sự tín nhiệm cao của cử tri để trở thành đại biểu Quốc hội, trở thành hạt nhân trong mọi hoạt động của Quốc hội khóa XV./.
PV/VOV1