Thực tế này cho thấy, phần lớn doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, chưa có nhu cầu về tài chính để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp được coi là một trong những vấn đề sống còn hiện nay.
Tiền gửi tăng nhưng tín dụng thấp
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, những tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán tại các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi của các tổ chức kinh tế, tiền gửi của dân cư, và tiền các khoản phát hành giấy tờ có giá đạt số dư 14,517 triệu tỷ đồng, tăng 2,05% so với cuối năm 2022. Mặc dù mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lượng tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng mạnh lên mức 6,347 triệu tỷ đồng, tăng hơn 677.000 tỷ đồng (8,21%) so với cuối năm ngoái và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022 dù lãi suất cho vay đã, đang và sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm cùng những khó khăn nội tại; các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam đều gặp khó khăn từ sau đại dịch Covid-19; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn; lạm phát đối diện với nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro. Những diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng ở mức thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả hộ kinh doanh cá thể chỉ vay khi sản xuất, kinh doanh tốt. Do đó, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố cần, chứ không bảo đảm được là lãi suất giảm các ngân hàng sẽ cho vay ra được.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Thân Đức Việt nhận định, cầu trong nước và thế giới yếu dẫn đến đơn hàng giảm sút, nên mặc dù ngân hàng giảm lãi suất, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn. “Chỉ khi nào tình hình thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng”, ông Thân Đức Việt cho biết.
“Cộng sinh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, yếu tố “cộng sinh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp được đưa ra như một vấn đề sống còn. Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện tại, ngân hàng khá khó khăn trong việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt, có khả năng trả nợ, xác định được đúng dòng tiền để mở rộng tín dụng. Phía doanh nghiệp cũng muốn thủ tục vay phải đơn giản, không cần yêu cầu tài sản bảo đảm, nhưng điều này phải dựa trên nguyên tắc.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh: “Việc đầu tiên và cũng rất quan trọng là cần phải sử dụng tốt chính sách tài khóa, tiếp đến là cải thiện môi trường kinh doanh, sau đó mới đến chính sách tiền tệ. Một trong những giải pháp là không nên đề cập tăng thu ngân sách, vì trong nền kinh tế ảm đạm như vậy không thể tăng thu, đẩy doanh nghiệp khó chồng khó”.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước có trong tay để điều tiết thị trường, như vấn đề cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bảo đảm vấn đề tỷ giá.
Theo Hanoimoi.com.vn