Ðiểm sáng mô hình HTX
HTX dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Ðịnh) là một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nguyễn Văn Thành cho biết: Từ năm 2010, anh quyết định đầu tư trồng nấm do nhận thấy Nam Ðịnh có nguồn nguyên liệu trồng nấm phong phú, nguồn lao động nông thôn dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi cho phát triển nhiều chủng loại nấm. Cùng với đó, công nghệ nhân giống và sản xuất nấm đối với các loại nấm chủ lực ngày càng phát triển, sức tiêu thụ nấm ngày càng cao...
Từ thành công ban đầu của gia đình, đến năm 2014, anh Thành và bảy thành viên nữa đã lập nên HTX dịch vụ Linh Phát. Ðến nay, HTX đã phát triển lên 25 thành viên, vốn điều lệ 1,55 tỷ đồng. Việc tập hợp được những thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nông, ngư nghiệp đã giúp HTX phát huy hiệu quả, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho các thành viên, người lao động.
Nấm bào ngư của HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao. Ảnh: Mai Chiến.
Các sản phẩm nấm linh chi được HTX trồng và ký hợp đồng với các công ty chuyên thu mua, chế biến nấm linh chi tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, sản lượng cung cấp trung bình qua các năm là 5 tấn, giá trung bình 400.000 đồng/kg, doanh thu trung bình qua các năm đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Các loại nấm ăn khác như nấm sò, nấm trắng… thu hoạch quanh năm, sản lượng trung bình bán ra thị trường cho các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Ðiện Biên, Tuyên Quang, Sơn La… gần 50 tấn/năm với giá bán 25 nghìn đồng/kg, doanh thu trung bình đạt 1 tỷ đồng/năm. Toàn bộ các sản phẩm của HTX đều được bảo đảm sản xuất theo đúng quy trình VietGAP.
Ngoài ra, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nấm linh chi, HTX đã xây dựng quy trình và sản xuất rượu nấm linh chi Linh Phát và túi trà lọc linh chi Linh Phát được Hội đồng thẩm định chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của huyện, tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sản lượng bán ra trung bình 200 lít/tháng, giá trung bình 80 nghìn đồng/lít, cung ứng cho các đại lý, nhà hàng trên địa bàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng... doanh thu đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Nỗ lực khắc phục hậu quả dịch bệnh
Báo cáo của Liên minh HTX tỉnh Nam Ðịnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 453 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân (TDND), 55 tổ hợp tác đang hoạt động. Tổng số thành viên và người lao động của các HTX là gần 376 nghìn người. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh Nam Ðịnh, Trần Văn Phiệt, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đến nay có nhiều chuyển biến tích cực.
Một số HTX quan tâm và trực tiếp đầu tư để sản xuất, kinh doanh, góp phần khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng đất đai, lao động, đồng thời tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tích cực tham gia thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhiều HTX thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản, qua đó nâng cao thu nhập cho HTX và các hộ thành viên. Tính đến tháng 1-2020, đã có 53 HTX tham gia sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Mô hình trồng rau tại xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Báo Thái Bình
Tuy nhiên, trải qua hai đợt dịch Covid-19, nhiều HTX bị ảnh hưởng nặng nề do sản phẩm tồn đọng không tiêu thụ được, nhất là sản phẩm thủy sản tươi sống phải nuôi kéo dài, tiêu tốn thức ăn, giãn chu kỳ sản xuất.
Theo ông Trần Văn Phiệt, do tác động của đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm, một số HTX bị thiệt hại lớn điển hình như: HTX sản xuất, kinh doanh nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, huyện Xuân Trường ước thiệt hại hơn 7 tỷ đồng; các HTX: Sản xuất chế biến Thủy sản Hải Ðiền, Giống thủy sản Tùng Lâm, Chế biến thủy sản Tiến Ðạt, Dịch vụ Linh Phát (huyện Hải Hậu), mỗi HTX thiệt hại từ 2 đến 5 tỷ đồng; HTX Chăn nuôi Yên Lợi thiệt hại 1,9 tỷ đồng; HTX sản xuất nấm Nhật Bằng (huyện Trực Ninh), HTX sản xuất nấm Tuấn Hiệp (huyện Giao Thủy) thiệt hại 1,5 đến 2 tỷ đồng... Tổng thiệt hại so cùng kỳ năm 2019 khoảng 120 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, đại dịch Covid-19, dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã làm cho số lượng HTX thành lập mới tăng chậm; hoạt động của HTX nông nghiệp, du lịch, tiểu thủ công nghiệp, thương mại giảm hơn 50% doanh thu dịch vụ nội bộ và tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ khá lớn HTX quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực tài chính và quản trị yếu, khả năng huy động nguồn lực và áp dụng công nghệ cao còn hạn chế; một số liên hiệp HTX chưa làm tốt vai trò "đầu kéo" hỗ trợ HTX thành viên; tổ hợp tác hoạt động chưa ổn định.
Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2020, cả nước vẫn thành lập mới được 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác, đạt 30% kế hoạch; các vùng đều có HTX thành lập mới. Kinh tế tập thể, HTX phát triển đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; nhiều HTX phát triển sản xuất, kinh doanh (sản xuất lúa gạo, chăn nuôi lợn...).
Ðến tháng 6-2020, cả nước có 25.282 HTX, tăng 2.002 HTX so với cùng kỳ năm 2019; thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Các HTX, liên hiệp HTX đã từng bước nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, nhân rộng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, mang lại lợi ích cho các thành viên (21,5% tổng số HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, 13% tổng số HTX liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp). Nhiều HTX bị thiệt hại do đại dịch Covid-19 tự huy động nguồn lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.
Theo Nhân dân điện tử