Khó khăn và sự trầm lắng
Doanh nghiệp đang trở nên đuối sức hơn, xét cả về số lượng, “sức khỏe” và hiệu quả hoạt động.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2023, cả nước có 10.843 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 99 nghìn tỷ đồng và thu hút thêm 68.600 lao động. Kết quả này giảm 16,5% về số doanh nghiệp, giảm hơn 48% về vốn và giảm 11% về số lao động so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp mới thành lập chỉ đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 38,2%. Thêm vào đó, có tới 43.873 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14,4% so với tháng 1-2022. Như vậy, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, rút lui khỏi thị trường đã vượt xa số đơn vị mới ra đời.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, việc ra đời hay rút lui của doanh nghiệp là một thực tế khách quan, theo quy luật của thị trường. Nhưng số đơn vị mới thành lập thường lớn hơn số rút lui. Như vậy, có thể hiểu sự đảo chiều trên là đáng quan ngại, cần nhận diện nguyên nhân. Kết quả sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm sút hơn kể từ sau quý III-2022 đến nay, do một số thị trường quan trọng, có sức mua cao đang dần cắt giảm đơn hàng nhập khẩu. Theo nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức giảm khá lớn so với các tháng cùng kỳ của 5 năm gần đây.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại, do nhu cầu tiêu dùng chậm phục hồi… Nhiều doanh nghiệp do thiếu đơn hàng xuất khẩu đã phải giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc cắt giảm lao động. Một nguyên nhân khác là chi phí nguyên liệu đầu vào và logistics vẫn khá cao, chậm được cải thiện, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm cuối cùng. Ngoài ra, doanh nghiệp khó vay vốn trong khi vừa mới thoát khỏi giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thực tế cũng đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện về sức sống, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp mới ra đời, bởi chủ yếu đó là doanh nghiệp quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm nên sức chống chịu, khả năng vượt khó để tồn tại còn rất hạn chế.
Giải pháp kịp thời, thực chất
Theo Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo, thực tế trên đặt ra yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cải cách, hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu về cơ chế linh hoạt, tính kịp thời, khả thi trong triển khai chính sách hỗ trợ.
Các chuyên gia khuyến nghị, từng bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục coi trọng cải cách, thực hiện nhất quán, đầy đủ và hoàn thành các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh chia sẻ, trong hoàn cảnh nhiều thách thức, bất lợi, sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng càng trở nên cần thiết. Doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục giãn, hoãn và giảm thuế, được tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính… Doanh nghiệp đề nghị tăng cường đối thoại, trao đổi với các cấp, ngành, tập trung giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp.
Hội Tư vấn thuế Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, áp dụng trong cả năm 2023. Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (Hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Đức Nghĩa nhận định, việc Nhà nước tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành hàng hóa, tăng thêm sức cạnh tranh, kích thích tiêu dùng, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành trong thời gian tới, đi đôi với đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tạo điều kiện và cơ hội có việc làm cho doanh nghiệp được xem là giải pháp hữu hiệu. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa đi thị sát, đôn đốc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm, có sức lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tận dụng thời gian để đẩy nhanh tốc độ thi công các công trình, dự án đầu tư công; xác định rõ đầu tư công là động lực của tăng trưởng. Các dự án được triển khai trên diện rộng là cơ hội để các doanh nghiệp - nhà thầu thuộc lĩnh vực xây dựng, vận tải, khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng, xây lắp, tư vấn… tiếp cận thời cơ tiêu thụ sản phẩm, tạo ra việc làm, vừa có doanh thu, vừa góp phần đắc lực vào an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, những động thái trên thể hiện Chính phủ quyết tâm thực hiện cam kết đồng hành, hướng tới “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tiếp thêm niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Theo Hanoimoi.com.vn