Sau giai đoạn đặc biệt khó khăn do dịch Covid-19, kinh tế - xã hội Tây Nguyên có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, hoạt động giao thương được khôi phục đã giúp những vụ sản xuất lớn của nhà nông Tây Nguyên tìm thấy thị trường nối lại những mùa vui.
Mùa này, dọc quốc lộ 27 qua huyện Cư Kuin có rất nhiều cửa hàng bày bán sầu riêng. Cùng với sầu riêng hạt lép, những trái sầu riêng thường cũng được mua - bán với giá cao. Ông Y Nhoái Knul, buôn trưởng Buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin cho biết, nhờ dịch Covid-19 đã dược kiềm chế, giao thương trở lại bình thường nên giá bán sầu riêng năm nay đã cao gấp 2 lần năm ngoái. Như gia đình ông, chỉ với hơn 40 cây sầu riêng giống thường, vụ này cũng thu- bán được hơn 120 triệu đồng. Ông Y Nhoái cho rằng, nếu cứ đà này kinh tế của bà con trong buôn sẽ có sự phát triển đáng kể.
“Năm nay sầu riêng được giá, không như năm ngoái do dịch Covid-19 quả lại bị hư, dồn một chỗ không thể buôn bán được. Năm nay sầu riêng vừa được giá, vừa có năng suất lại buôn bán được. Quả sầu riêng bây giờ được hơn 20.000 đồng/kg, người dân đã có lợi nhuận và kinh tế cũng có sự khởi sắc”, ông Cư Kuin bày tỏ.
Không khí mùa vụ càng sôi động ở huyện Krong Pak, tỉnh Đăk Lăk với những xe container chở sầu riêng đậu kín các khoảng đất trống 2 bên quốc lộ 26. Đây là nơi hội tụ những vườn sầu riêng giá trị nhất của Tây Nguyên cùng những doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng lớn.
Theo chị Lê Thị Thanh Thuý ở Buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, thời điểm này năm ngoái, trong ách tắc toàn diện bởi dịch Covid-19, từ thôn buôn đến huyện - tỉnh đều lo bàn kế hoạch giải cứu sầu riêng thì năm nay, huyện đang tưng bừng không khí lễ hội sầu riêng lần thứ nhất. Hoạt động vận tải - mua bán đã thông suốt, lại thêm việc sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch nên các nhà vườn trong huyện thu hút thương lái, giá bán càng tăng cao.
“Gia đình tôi cùng bà con nông dân trồng sầu riêng quá phấn khởi. Năm ngoái sầu riêng có nhiều nhà bán với giá 20.000 - 22.000 đồng/kg, có người bán 25.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, giá sầu riêng đã tăng cao gấp đôi năm trước càng khuyến khích các nhà vườn cố gắng đầu tư trồng sầu riêng theo phương pháp hữu cơ sạch, hoàn toàn đủ tiêu chuẩn cho xuất khẩu”, chị Thúy cho biết.
Cùng với mùa vui sầu riêng, mùa cà phê tại Tây Nguyên cũng đang đón tín hiệu rất tốt từ thị trường, khi giá cà phê nhân xô đã đạt gần 50.000 đồng/kg. Ông Phạm Đình Trung ở thôn Đức Trung xã Đức Minh huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, không chỉ giá bán cao, cà phê vụ này còn rất có triển vọng về năng suất, hứa hẹn một mùa bội thu, bội giá.
“Năm nay cà phê gặp thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng cao, chất lượng tốt. Hiện số lượng và giá bán cà phên tại Đắk Mil đạt hơn nhiều so với năm trước, nếu giá bán giữ được như hiện tại thì nguồn thu của bà con còn tăng hơn nữa”, ông Trung hồ hởi.
Thực tế cho thấy, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp Tây Nguyên lại càng được coi trọng. Chính vì vậy, tháo gỡ được các ách tắc, đả thông các thị trường xuất khẩu, luôn là ưu tiên hàng đầu của các tỉnh.
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đắk Lắk cho biết, hiện đã có 20 loại nông sản, trái cây của tỉnh đã đủ điều kiện pháp lý để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Australia và Mỹ. Đăk Lăk hiện đang thực hiện những đề án lớn để tất cả nông sản thế mạnh của tỉnh vừa có thể kết nối tiêu thụ trong nước, vừa có thể xuất khẩu chính ngạch tới các thị trường khó tính.
“Chi cục đang xây dựng đề án để minh bạch tất cả các sản phẩm có xuất xứ từ Đăk Lăk. Đây là đề án rất lớn để phục vụ truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng nên Chi cục đang kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với nông dân tập trung tại thị trường Đắk Lắk để tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Thành cho biết.
Giá vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao thời gian qua gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, cũng đã có những thuận lợi lớn được Nhà nước tạo ra, đó là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, khai thông các thị trường lớn. Mặt khác, hơn 30% diện tích cà phê của Tây Nguyên đã trở thành một phần của các chuỗi liên kết, chuyên sản xuất cà phê chất lượng cao, được chứng nhận quốc tế, và được đón nhận ở hầu hết các thị trường trên thế giới.
Thế mạnh mới của Tây Nguyên là trái cây với hàng chục chủng loại đã tới được các thị trường Trung Quốc, Australia, New Zealand và Mỹ đang đem lại giá trị lớn. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông sản của khu vực đã tăng trưởng từ 40% đến hơn 60% trong cả năm 2021 và nửa đầu năm 2022. Kết quả ấy đang khẳng định, nông nghiệp Tây Nguyên đang được tổ chức tốt, tận dụng tốt các cơ hội và giành thắng lợi trong nhiều khó khăn, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho kinh tê - xã hội trong khu vực./.
Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên