Chỉ riêng trong năm 2022, Thủ tướng đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề, 5 công điện, 1 chỉ thị và thành lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, do các phó thủ tướng và bộ trưởng làm tổ trưởng. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tính theo số tuyệt đối tăng thêm 120.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ đạt chưa tới 93% so với kế hoạch, thấp hơn tỷ lệ giải ngân năm 2021 (95,11%).
Vì vấn đề không còn mới, nên nhiều giải pháp đã được chỉ ra, như sớm phân bổ vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động thường xuyên, liên tục của 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập; chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay; tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế (nếu có) về công tác giải phóng mặt bằng…
Nhưng liệu những giải pháp cũ đã là đủ để hóa giải những thách thức mới? Dự kiến năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công lên tới hơn 700.000 tỷ đồng, tăng 140.000 tỷ đồng so với năm 2022.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhìn lại cả một quá trình, việc tập trung vốn cho các dự án trọng tâm trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng. Dự kiến ban đầu, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có trên 10.000 dự án đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm còn chưa đầy 5.000 dự án; tập trung vào các dự án liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển mới, các tuyến đường cao tốc, công trình hạ tầng.
Trong quá trình thực hiện thì tính trách nhiệm và quyết liệt của người đứng đầu địa phương có ý nghĩa rất lớn. “Chúng tôi thấy đối với địa phương nào, đồng chí chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, trưởng ban quản lý dự án quan tâm sát tiến độ thì giải ngân tốt so với các địa phương khác”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông nhận xét tại phiên họp của Chính phủ cuối tháng 2-2023 về thúc đẩy đầu tư công. Đây cũng là kinh nghiệm được các địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt chia sẻ. Tại Hưng Yên, tính đến hết tháng 1-2023, tỉnh này đã thực hiện giải ngân 9.792 tỷ đồng, đạt 214,3% kế hoạch Thủ tướng giao năm 2022, tăng 56,7% so với kết quả giải ngân năm 2021.
Đạt được tỷ lệ này, một trong những yếu tố quan trọng là các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra và chỉ đạo tại hiện trường đối với các dự án trọng điểm, các dự án được giao kế hoạch vốn lớn để giải quyết sớm các khó khăn, vướng mắc. Tổ công tác giải ngân vốn đầu tư công do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện; yêu cầu ký cam kết về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công giữa các chủ đầu tư và nhà thầu thi công.
Lãnh đạo tỉnh rốt ráo chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố cam kết và thực hiện đúng tiến độ giải ngân theo các mốc thời gian. Trường hợp không đạt tiến độ, sẽ xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đối với các nhà thầu không hoàn thiện hồ sơ quyết toán thì áp dụng mức xử lý cao nhất về vi phạm hợp đồng tiến độ xây dựng, chậm thủ tục thanh toán và xem xét đánh giá năng lực nhà thầu.
Tất nhiên, còn rất nhiều “điểm nghẽn” khác, cả chung và riêng (phụ thuộc vào đặc thù của từng địa phương, từng dự án cụ thể) nữa cần khơi thông để dòng đầu tư công chảy nhanh hơn, mạnh hơn. Nhưng lúc này chính là thời điểm mà bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các dự án sẽ phát huy hiệu quả rõ hơn bao giờ hết./.
Nguồn SGGP