Không muốn làm cũng không được
Phát biểu tại Họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) chiều 27/4, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, trong một số vụ án, vụ việc bị xử lý thời gian gần đây cho thấy cán bộ bị xử lý đều là cán bộ cấp cao, không chỉ ở cơ sở, không chỉ là tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh mà hành vi rất nghiêm trọng, liên quan đến tài sản rất lớn.
"Những vụ án phát hiện, xử lý vừa qua cho thấy, tham ô, tham nhũng không còn riêng lẻ mà mang tính chất tập thể, có tổ chức, cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước và bên ngoài. Đây là vấn đề phải quan tâm"- ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong kiểm tra, giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã có sự phối, kết hợp, khớp nối với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Qua đó, khắc phục cơ bản tình trạng như Tổng Bí thư thường nói là “cua cậy càng, cá cậy vây”, giờ đây nếu có một cơ quan nào trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng không muốn làm thì cũng không được.
Ông nêu ví dụ việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng là liên quan đến quá trình thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một vụ việc. Tuy nhiên, thanh tra, kiểm toán làm không hết trách nhiệm, xử lý không nghiêm thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc xử lý kỷ luật.
“Đó là kiểm soát quyền lực và đây là nét mới trong quá trình kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm. Không muốn làm, không chịu làm cũng không được. Và nếu không muốn làm, làm không đúng thì sẽ có cơ quan khác xem xét, xử lý” – ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Dần khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"
Theo vị Phó Trưởng Ban, các địa phương đã có sự chuyển biến rất tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chủ động phát hiện, xử lý một cách mạnh mẽ, quyết liệt.
Nhiều địa phương đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, ban hành chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoặc ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó dần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh".
Thông tin thêm về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư xác định công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vẫn là một trong những yêu cầu đặt ra. Chống tham nhũng phải gắn liến với chống tiêu cực, trong đó, chống tiêu cực là gốc bởi đây là vấn đề cơ bản, lâu dài.
Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục chú trọng tăng cường sự phối, kết hợp một cách chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó kiểm tra phải đi trước một bước. Bởi vì, tất cả những sai phạm, vi phạm xử lý trong thời gian vừa qua đều có vai trò của công tác kiểm tra, từ kiểm tra đã phát hiện, xử lý kỷ luật đảng, rồi xử lý hình sự...
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh phải tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Vừa qua, một số địa phương đã làm tốt, nhưng so với yêu cầu chung vẫn còn một số địa phương còn chưa có chuyển biến.
"Tổng Bí thư nhấn mạnh Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sắp tới, Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu".
Ông Nguyễn Thái Học nói như vậy, đồng thời thông tin thêm, chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã được Bộ Chính trị họp, thống nhất thông qua và sẽ xin ý kiến tại Hội nghị Trung ương sắp tới./.
Kim Anh/VOV.VN