Xã đảo Thổ Châu, nằm trong quần đảo Thổ Chu thuộc Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. 27 ngày sau ngày đất nước toàn thắng, quần đảo Thổ Chu thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mới chính thức được giải phóng. Từ một quần đảo hoang sơ, trải qua 30 năm thành lập xã đảo, xây dựng và phát triển, đến nay hòn đảo xa xôi ở phía Tây Nam của tổ quốc đã phát triển nhanh chóng, tạo thành một nơi chiến lược về an ninh quốc phòng và kinh tế của tỉnh Kiên Giang.
Ngày 30/4 năm 1975, cả nước vui mừng niềm vui chiến thắng thì ở đảo Thổ Chu khi quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản, Pol Pot Khmer đỏ đưa quân sang chiếm đảo và sát hại hơn 500 người dân nơi đây.
Trước chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Quân khu 9 đã tổ chức đánh và giải phóng quần đảo Thổ Chu. Đến ngày 27/5, quân địch đã ra hàng. Sau khi Thổ Chu được giải phóng, lực lượng bộ đội ở lại đóng quân và xây dựng đảo. Đến năm 1992, UBND tỉnh Kiên Giang bắt đầu đưa người dân ra đảo sinh sống và đến 1993 mới có quyết định thành lập xã Thổ Châu. Trong những năm đầu, cuộc sống của người dân trên đảo vô cùng khó khăn.
Đại tá Dương Đức Mười, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 152 – là trung đoàn tham gia giải phóng, xây dựng xã Thổ Châu nhớ lại: "Lúc đầu người dân ra, chưa có chính quyền. Tiểu đoàn 561 đã hỗ trợ bà con sớm ổn định chỗ ở và chủ động giải quyết khó khăn của bà con trong đời sống và chủ động bố trí sỹ quan để dạy học cho các cháu đang tuổi đến trường ở các lớp 1,2,3,4. Đến ngày 24/4/1993 có quyết định thành lập xã đảo Thổ Châu, tiểu đoàn 561 cũng như các đơn vị đảo Thổ Chu sau này tiếp tục hỗ trợ cấp uỷ chính quyền địa phương mọi mặt từ vật chất đến tinh thần, nề nếp, cấp uỷ chính quyền địa phương tiếp tục ổn định đến hôm nay".
Từ một xã đảo 5 không, không đường, không điện, không trạm xá, trường học, không công nghệ thông tin thì đến nay, được sự quan tâm đầu tư từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, Thổ Châu đã phát triển nhanh chóng. Xã đảo Thổ Châu đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trung tâm hành chính xã, trường học, trạm y tế, nhà máy điện, hệ thống thông tin liên lạc… Đến nay, thương mại - dịch vụ hậu cần nghề cá; nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng trên đảo đều được quan tâm phát triển đồng bộ.
Người dân trên đảo đã phát triển được lợi thế khi đẩy mạnh hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, từ đó biến một hòn đảo xa xôi trở nên sôi động, các tàu đánh cá từ khắp mọi miền tổ quốc đều đến để đánh bắt, thu mua hải sản khiến giao thương mua bán trở nên sầm uất. Năm 2022, hoạt động thu mua chế biến các loại hải sản đạt 850 tấn tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng khai thác trong năm 2022 đạt 150 tấn. Hiện nay toàn xã có 46 hộ với 52 lồng bè nuôi cá và các loại hải sản khác, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2022 đạt 30 tấn.
Ông Nguyễn Thanh Ngọt, là một trong những người dân đầu tiên ra đảo lập nghiệp cho biết: "Tôi ra đây từ năm 1993, sống bằng nghề đánh bắt hải sản, mấy năm nay thì nuôi thêm có lồng bè. Cá năm nay có giá. những năm trước tàu bè ra đây nhiều lắm".
Bà Lê Thị Kiều người dân trên đảo nhận xét: "Bây giờ đảo phát triển đầy đủ như trong đất liền, từ đời sống đến vật chất. Đời sống bà con rất ổn định, thoải mái, kinh tế, biển gì cũng hoạt động tốt".
Quần đảo Thổ Chu có vị trí đặc biệt quan trọng trong vùng biển Tây Nam. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, quân đội cũng như tỉnh Kiên Giang đã đầu tư phát triển về mọi mặt kể cả về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh. Vì vậy công tác quốc phòng toàn dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững và ổn định. Cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan chuyên môn đóng quân trên địa bàn, Thổ Châu làm tốt công tác bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh, phát triển thành trung tâm vững mạnh về quốc phòng an ninh, mạnh về kinh tế phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Đỗ Văn Dừng, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, về công tác chính trị, xây dựng Đảng luôn được củng cố kiện toàn kịp thời, quốc phòng an ninh được giữ vững. Trong đó kinh tế xã hội của địa phương được đầu tư đồng bộ về các cơ sở hạ tầng như hiện nay điện phục vụ 24/24 , các tuyến đường trong khu dân cư cũng đã được bê tông hoá, đường cơ động vòng quanh đảo cũng được thực hiện đảm bảo điều kiện đi lại phát triển kinh tế cũng như quốc phòng na ninh trên đảo được giữ vững .
48 năm giải phóng Thổ Chu, hơn 30 năm thành lập và xây dựng phát triển đảo với bao khó khăn và thách thức, để xã đảo Thổ Châu phát triển như ngày hôm nay không thể nào quên công lao của nhiều cán bộ tâm huyết và những cư dân đầu tiên ra đảo công tác, lập nghiệp, cùng giúp nhau vươn lên, bám trụ, giữ đảo.
Trong những ngày kỷ niệm 30/4 lịch sử, những người chiến sỹ tham gia giải phóng, gìn giữ và xây dựng đảo Thổ Chu cũng như những người dân gắn bó với đảo từ những ngày đầu thành lập cảm thấy tự hào hơn khi mình đã được đóng góp công sức nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ và dựng xây tổ quốc.
"Chiến thắng 30/4 năm 1975 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam có được như ngày hôm nay. Bản thân tôi có thời gian hơn 30 công tác tại đảo, chứng kiến từ lúc chưa có người dân đến hộ dân đầu tiên ra và đến nay đã là một xã và lực lượng quân đội đóng ở trên đó đã ngày càng phát triển vững mạnh. Bản thân tôi cũng đã góp một phần nhỏ cùng với quân và dân xã đảo Thổ Châu trong những năm qua, nghĩ lại ngày 30/4 càng thấy có nhiều ý nghĩa hơn trong lịch sử hào hùng của dân tộc"- Đại tá Dương Đức Mười nói./.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL