Những vướng mắc trong công tác quy hoạch đã được đặt ra từ lâu, ngay sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019 và là một trong những nội dung từng được các đại biểu tranh luận mạnh mẽ trên nghị trường vì tác động rất lớn đến nền kinh tế đất nước. Cũng chính vì vậy, chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” được Quốc hội lựa chọn để giám sát tối cao trong năm 2022.
Sau gần 5 tháng lên đề cương, nghiên cứu báo cáo và làm việc với bộ ngành, địa phương, hồ sơ vừa được Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, như chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định là “cân lên tới 16kg”, thể hiện sự công phu trong quá trình làm việc. Đoàn giám sát cơ bản nhận diện và chỉ rõ được những nút thắt, điểm nghẽn từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện trong thực tế.
Vướng quy định, chậm hướng dẫn
Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát, tồn tại, hạn chế đầu tiên cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất ở các cấp, các ngành về một số nội dung trong Luật Quy hoạch, như: Nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia; Khái niệm “tích hợp quy hoạch” chưa rõ ràng về nội hàm, khó triển khai trong thực tiễn vì chưa thống nhất nhận thức; trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên... làm chậm tiến độ xây dựng các quy hoạch.
Điều 5 quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, không có quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành dẫn đến sự mâu thuẫn, chưa thống nhất, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Bên cạnh đó, danh mục quy hoạch chưa phù hợp với phạm vi quản lý của Bộ, ngành khi có quy hoạch được lập ở cấp quốc gia nhưng đối tượng của quy hoạch đã được phân cấp cho địa phương quản lý; có quy hoạch ngành quốc gia có nội dung giao thoa với nội dung quy hoạch ngành quốc gia khác hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 9, kinh phí trong hoạt động quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công, thủ tục phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động quy hoạch, đặc biệt là với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm và còn bất cập. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai… chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.
“Một số Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thẩm quyền, chưa thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, thêm thủ tục, trình tự hoặc thêm nội dung ngoài Luật gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch” – báo cáo cho biết.
Trong thực thi pháp luật, một trong những khó khăn là lực lượng tư vấn lập quy hoạch còn hạn chế về số lượng, khó lựa chọn được tư vấn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm.
Theo quy định, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ không được tham dự thầu lập quy hoạch ngành do chính các Bộ đó chủ trì, mặc dù các đơn vị tư vấn này am hiểu rõ nhất về các ngành, lĩnh vực đó. Đơn vị thực hiện lập nhiệm vụ quy hoạch không được thực hiện lập quy hoạch cũng gây khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn.
“Việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch đã gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư do nguy cơ thiếu quỹ đất; ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân..."”- Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội nhấn mạnh.
Tạm thời gỡ khó, lâu dài phải sửa luật
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét các giải pháp cấp bách trước mắt cũng như dài hạn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Trước mắt, Quốc hội ban hành nghị quyết về giám sát, trong đó có các giải pháp cần thiết phải triển khai ngay, cho phép Chính phủ thực hiện các giải pháp thúc đẩy công tác lập quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Cụ thể là cho phép Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung, mức độ, quy trình phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình tích hợp quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, khắc phục việc còn cách hiểu khác nhau trong quá trình lập quy hoạch, bảo đảm làm rõ sự phối hợp.
Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng còn lại, tuy nhiên cần hạn chế việc 1 tư vấn cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ tư vấn.
Các quy hoạch được cho phép lập đồng thời; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này.
Các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh nội dung theo quy định pháp luật có liên quan cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.
Chính phủ có giải pháp xử lý trường hợp các quy hoạch cùng cấp phù hợp với quy hoạch cấp trên nhưng có điểm mâu thuẫn nhau; sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên cho việc lập các quy hoạch…
Trong dài hạn, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết toàn diện tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch.
Thống nhất quan điểm trình Quốc hội xem xét “gỡ khó” cho quy hoạch, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các nội dung dự kiến thể hiện trong nghị quyết phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, thực thi được ngay, không để xảy ra tình trạng quy định ban hành xong lại vẫn không thực hiện được./.
Ngọc Thành/VOV.VN