Đến với Quảng Trị, thăm Thành cổ và được nghe những câu chuyện về mùa hè đỏ lửa năm 1972 – 50 năm về trước, có lẽ nhiều người sẽ không thể lý giải được: Vì sao trong mưa bom bão đạn dày đặc của kẻ thù, chịu sự khắc nghiệt của thời tiết lúc nắng như đổ lửa, lúc lại mưa lũ dâng cao, nhiều ngày nhịn đói, nhịn khát, không có không khí để thở, không một giấc ngủ trọn vẹn...
Vậy mà, trong suốt 81 ngày đêm – tương đương gần 2.000 giờ đối mặt với cuộc chiến khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sỹ - những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ. Sức mạnh nào đã tạo nên sự phi thường đó?
Những ngày tháng 7 này, Thành Cổ Quảng Trị lại đón những đoàn người từ khắp mọi miền về dâng hương, thả hoa tưởng nhớ - tri ân những Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong mùa hè đỏ lửa 1972, trong đó có những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường khốc liệt này.
Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, số bom đạn mà quân đội Mỹ - Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Hôm nay, mảnh đất bị bom cày đạn xới ấy, những vết tích của chiến tranh chỉ còn lại ở những đoạn tường thành nham nhở. Nhưng chính trong những viên gạch đó, dưới những thảm cỏ, lớp đất trong Thành cổ ấy chính là xương máu của hàng ngàn Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ.
Ngược thời gian những ngày tháng này của 50 năm trước, có một lời thề đi vào lịch sử: “K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng” - Đó chính là lời thề quyết tử của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 3 - Tỉnh đội Quảng Trị (K3 - Tam Đảo). Đây là đơn vị trực tiếp chốt giữ trong Thành cổ Quảng Trị qua 81 ngày đêm lịch sử, bi tráng, hào hùng, ác liệt, đầy hy sinh và bất tử của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Trở lại chiến trường khốc liệt của 50 năm về trước, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long không thể cầm lòng khi nhớ về đồng đội.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long nhớ lại, rạng sáng mùng 10/7, các đơn vị tiếp cận chốt, ngày 13 bắt đầu trận đánh đầu tiên. Ngay trận đầu tiên, đơn vị ông đã có 3 đồng chí hy sinh. Trong 81 ngày đêm không có ngày nào không đánh nhau: "Càng về cuối càng ác liệt hơn. Bầu trời Quảng Trị không có lúc nào thấy ánh sáng bởi mịt mù khói bom đạn. Đúng 81 ngày đêm chúng tôi không được đánh răng rửa mặt, nước cũng không có. Địch chặn tuyến vượt sông, lương khô cũng thiếu. Nhưng mọi người đều gắn bó, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu đồng đội".
Chiến công đặc biệt tại Thành cổ Quảng Trị của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long là bắn liên tiếp 9 lượt B40 và 1 lượt B41 – một điều phi thường mà ngay cả chính ông cũng không thể lý giải nổi mình có thể làm được ở thời điểm đó:
"Trận đánh ngày 23/8, địch chiếm 1 phần góc thành, Trung đội tôi chỉ còn 3 người. Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu không đẩy được địch ra thì sẽ mất thành. Khi địch chiếm gần sát rồi thì tôi dùng B40 bắn 9 quả, 1 quả B41, đẩy lùi hơn một đại đội địch và giữ được trận địa. Bắn xong tôi ngất và khi tỉnh dậy thì được Đại đội trưởng Phan Xuân Sơn thưởng cho một bánh lương khô. Kỷ niệm mà cho đến giờ tôi không bao giờ quên"-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hán Duy Long nói.
Gọi là 81 ngày đêm nhưng thực tế Quảng Trị những ngày đó không có đêm, không một giây phút bình yên. Cái chết, sự hy sinh chưa bao giờ là nỗi sợ của những chiến sỹ Thành cổ. Lúc đó, cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn K3 cùng đồng đội quyết tâm bằng mọi giá phải giữ vững cho được thành cổ, kiên quyết không cho địch cắm cờ, đảm bảo an toàn cho từng mét đất bằng mọi giá. Cựu chiến binh Lê Cảnh Tứ, nguyên tiểu đội phó, Tiểu đội 8, Trung đội 3, Đại đội 11 nhớ lại giây phút cùng đồng đội bẻ gãy cuộc tấn công bí mật chớp nhoáng nhằm cắm cờ của địch rạng sáng ngày 14/7/1972.
Cựu chiến binh Lê Cảnh Tứ kể: "Ngày 14/71972, địch mang vũ khí, cờ ba que, phương tiện điện đài để quay phim chụp ảnh. Toán biệt kích lọt vào trận địa của chúng tôi. Chúng tôi diệt toán quân thám báo đó, thu cờ 3 que, thu toàn bộ vũ khí, lựu đạn, phá các phương tiện điện đài trong vòng 15 phút. Chúng tôi đã giữ vững trận địa, làm chủ trận địa, không để cho địch thực hiện được âm mưu cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị".
Trong bom đạn của kẻ thù, họ đã cùng viết lời thề “Quyết tử! K3 – Tam Đảo còn, thành cổ Quảng Trị còn! Dù có phải hy sinh đến người lính cuối cùng!”. Đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim, là sức mạnh mà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can, cựu chiến binh Lê Cảnh Tứ mang theo suốt những ngày chiến đấu trong Thành cổ.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Can nhớ lại, sự quyết tâm của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến được truyền tới tất cả các anh em trên trận địa: "Chúng tôi ghi tâm, khắc cốt và thấy rằng đó là trách nhiệm của mình với Tổ quốc, là trách nhiệm của mình trước sự hy sinh của đồng đội. Những người còn sống làm sao làm tròn trách nhiệm với người đã ngã xuống, thực hiện lời thề đó dù có hy sinh đi chăng nữa. Cho đến bây giờ, chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng chiến đấu".
Cho đến bây giờ, Cựu chiến binh Lê Cảnh Tứ nghĩ rằng, nhiệm vụ của chúng tôi được giao là “K3 Tam Đảo còn – Thành cổ Quảng Trị còn” là mệnh lệnh của trái tim. Nhưng ở đây muốn nói rằng, trong chiến tranh, đây là mệnh lệnh của Đảng, Nhà nước chúng phải chấp hành để có một lòng tin, một niềm tin.
Và như thế, các chiến sỹ Thành cổ đã chiến đấu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Người này ngã xuống thì người khác lại xông lên. Sức mạnh nào đã khiến cho hàng vạn người lính, bất chấp hiểm nguy của mưa bom bão đạn, sẵn sàng vượt sông bảo vệ Thành Cổ mà không tiếc thân mình? Điều này đã được những cựu chiến binh năm xưa lý giải, đó là lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Khi lòng yêu nước đã lên đến tột cùng thì cái chết cũng nhẹ nhàng như hòa mình vào dòng nước chảy./.
Thu Hòa/VOV1