Sau 7 ngày họp tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã chính thức khép lại. Trung ương đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, rất quan trọng và phức tạp.
Không chỉ thảo luận và đưa ra những giải pháp cho phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, Trung ương đã cụ thể hoá toàn bộ những nội dung cốt lõi và những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chính vì vậy, thành công của Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Kinh tế phục hồi nhưng tuyệt đối không được chủ quan
Hội nghị Trung ương 6 diễn ra vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đang trên đà hồi phục với những con số ấn tượng, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong 9 tháng qua đạt hơn 8,83%; thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán, tăng 22%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì xuất siêu gần 7 tỉ USD. Dự báo đến hết năm 2022, chúng ta có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, ngay ở phiên khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Việc xem xét, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, 2023 được đặt trong bối cảnh, tình hình thế giới đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và các tổ chức quốc tế. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, phân tích kỹ những đặc điểm nổi bật của năm 2022, làm rõ những kết quả đã đạt được; những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải vượt qua.
Trên cơ sở đó, Trung ương kết luận: Trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, chúng ta phải tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách nhà nước.
Trung ương nhất trí ban hành 3 Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược
Không chỉ thảo luận và thống nhất các giải pháp về phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước, tại hội nghị lần thứ 6, Trung ương đã thảo luận những giải pháp nhằm cụ thể hoá những nội dung cốt lõi và những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trên cơ sở đó, Trung ương nhất trí ban hành 3 Nghị quyết có ý nghĩa chiến lược gồm: Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới". Trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Trung ương nhận định: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, cần phải nhận thức rõ: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Đối với nhiệm vụ xây dựng và và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước mắt, cần tập trung sức thực hiện một số chủ trương và nhiệm vụ quan trọng: Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; Cải cách nền hành chính Nhà nước; Đổi mới tổ chức và hoạt động của Toà án và các cơ quan Tư pháp; Phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng
Một nội dung lớn được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 là định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trung ương nhận định: Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.
Trong việc quy hoạch lần này, cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các "đầu tàu" lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Kỷ luật Ủy viên Trung ương là “sự việc rất đau xót”
Tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá XV (dự kiến khai mạc vào ngày 20/10). Hiện, người giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT đương nhiệm là ông Nguyễn Văn Thể.
Đặc biệt, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đối với các Uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và quyết định thi hành kỷ luật Uỷ viên Trung ương Đảng; Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Phạm Xuân Thăng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị, người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “đây là sự việc rất đau xót, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác và vì sự lớn mạnh của Đảng buộc chúng ta phải làm. Và đây cũng là bài học đắt giá mà mỗi đồng chí chúng ta cần phải rút kinh nghiệm thật sự sâu sắc”.
Hội nghị Trung ương 6 đã thành công tốt đẹp với những phiên thảo luận liên tục, không kể ngày nghỉ. Trung ương đã đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách về phát triển kinh tế- xã hội, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời Trung ương cũng quán triệt và bàn thảo những nội dung có ý nghĩa chiến lươc lâu dài nhằm hoàn thiện thể chế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.
Quốc Phong/VOV.VN (tổng hợp)