Cường quốc về nông sản nhưng đa phần là ở dạng thô
Nông sản Việt Nam được tiêu thụ ở 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2017-2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản lần lượt đạt 36,4; 40; 40,2 và 41,25 tỷ USD. Hàng năm, sản lượng lúa của cả nước ước đạt 43,98 triệu tấn; sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 3,6 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản 4,4 triệu tấn. Sản lượng các loại cây trồng khác như: xoài đạt 788.400 tấn; thanh long 1,1 triệu tấn; dứa 674.000 tấn; khoai lang 1,3 triệu tấn; rau, đậu 17,1 triệu tấn...
Theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cả nước hiện có trên 43.000 doanh nghiệp (DN) chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản, trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015. Trong 5 năm qua, có 67 nhà máy chế biến nông sản lớn với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD được khởi công mới, đi vào hoạt động. Thế nhưng, khâu chế biến đang là điểm nghẽn khiến cho nông sản Việt Nam bị giảm tính cạnh tranh. Hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp.
Chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản. Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, nông sản trong nước có 20-30% thông qua chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, Đài Loan có gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp phải so sánh hai con số nói trên giữa hai nước, từ đó có phương án chủ động nông sản qua chế biến tạo ra giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, sẽ giải được bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh “trúng mùa rớt giá”. “Mục tiêu đeo đuổi của ngành nông nghiệp thời gian tới đó là, nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng. Chúng ta bán giá trị, chứ không phải bán giá cả nữa”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nhãn Idor Châu Thành được giới thiệu tại một chương trình hội chợ. Ảnh: Báo Đồng Tháp
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit cho rằng, trên thế giới cũng như các DN chuyên sản xuất nông sản thực phẩm thì luôn gắn liền giữa canh tác và chế biến. Vì trong canh tác, chắc chắn không thể bán được hết hoàn toàn 100% mà cũng sẽ có lúc hao hụt hoặc có rủi ro xảy ra. Ví dụ, một cây xoài muốn có trái đẹp ra thị trường thì giỏi lắm được 30-50%, còn lại nếu không có chế biến thì rủi ro cho bà con. Chờ bán hết thì sẽ bị hỏng hoặc giảm chất lượng.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, về mặt công nghệ thì Việt Nam có, nhưng về số lượng những nhà chế biến thì còn quá ít. Đó là yếu kém của ngành nông nghiệp, chế biến. Nông nghiệp nước ta canh tác giỏi nhưng gắn liền giữa canh tác và chế biến chỉ mới trên đầu ngón tay. Trong khi điều này thì có thể giúp Việt Nam tạo nên đột phá. Nếu có công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch tốt thì ngành nông nghiệp sẽ dễ dàng dịch chuyển khi sang giai đoạn không được mùa để có thể bán được. Nếu làm nông nghiệp không có công nghệ chế biến trong nông trường thì sẽ dễ bị mắc sai lầm, không tận dụng được hết giá trị nông nghiệp mang lại, nhất là với nông nghiệp hữu cơ thì công nghệ chế biến sau thu hoạch lại càng quan trọng. Ông Lâm Viên bày tỏ trăn trở muốn làm thay đổi nền nông nghiệp, dùng nông nghiệp hữu cơ thay cho một nền nông nghiệp giết chết đất, độc canh.
Doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái làm điểm tựa cho nhau
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan , cần quan tâm đến các hợp tác xã (HTX), DN vừa và nhỏ, những DN khởi nghiệp để tiếp cận logistics, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến tạo ra kinh tế nông thôn. Cộng đồng DN hình thành hệ sinh thái để làm điểm tựa cho nhau, đừng cạnh tranh để kéo nhau cùng xuống đáy. Cạnh tranh cùng thắng, lấy giá trị bên đây làm tăng giá trị bên kia. Ai trồng thì trồng, ai chế biến thì chế biến, ai đóng gói thì đóng gói. Bộ trưởng nêu một số điểm sáng như vừa qua đã diễn ra một số lễ ký kết giữa Tập đoàn Lộc Trời với một đơn vị ở Gia Lai. Một số ký kết giữa các DN khác, cho thấy cộng đồng DN đã bắt đầu gần nhau.
Xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.100ha trồng nhãn, nhiều nhất là vùng cù lao Bạch Viên và cù lao An Hòa, năng suất 32.000 tấn/năm. Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX nông sản an toàn An Hòa cho biết, thời điểm dịch bệnh, HTX vẫn bán được giá cao vì hiện nay HTX đã chuẩn bị gần như đầy đủ các tiêu chuẩn, chứng nhận. Tháng 4/2019, HTX được cấp chứng nhận VietGAP cho 127 thành viên với 113,4ha. Trong năm 2021, HTX thực hiện 100ha GlobalGAP. Ngoài ra, hiện nay, HTX có 29/50 hộ tham gia chương trình LocalGAP với 20ha. HTX đang có mong muốn làm được từ chuỗi sản xuất đến tự xuất khẩu như một DN để nâng cao đời sống cho nông dân. Hướng sắp tới, HTX có ý định xây dựng một nhà máy sản xuất, chế biến xuất khẩu nhãn tươi, đóng hộp và nhãn sấy cho nông dân ở An Hòa có đầu ra tốt hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Vina T&T Group nhận định, việc liên kết ba bên giữa Nhà nước - nhà nông - doanh nghiệp giúp DN giảm được chi phí đầu tư tại các vùng nguyên liệu rộng lớn, còn sản phẩm của nhà nông lại có đầu ra ổn định. Trái cây Việt Nam tươi ngon nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng và vượt trội hơn các nước xuất khẩu nông sản khác. Thương hiệu yếu, trái cây tươi của Việt Nam phải bán giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia khác, kéo theo đó là hàng rau củ quả sau chế biến cũng khó xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại thuận lợi cho Việt Nam giao thương với các nước, nhưng muốn tận dụng triệt để các FTA thì DN phải chủ động hơn nữa. Đặc biệt, nhà nông và DN cần liên kết chặt chẽ để giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thời gian tới, Vina T&T Group sẽ tiếp tục phát triển các mối liên kết với HTX, trang trại tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ và Vĩnh Long./.
Theo Báo Đồng Tháp