Tăng cường bán qua mạng
Sau hai năm mở cửa hàng vừa trưng bày sản phẩm vừa bán trực tiếp các mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu với số lượng nhân viên khá đông, đến nay Công ty TNHH SX-TM-DV Tiên Thảo (quận Gò Vấp, TPHCM) đã quyết định chuyển đổi, thu gọn, trưng bày sản phẩm là chính.
Ông Phạm Văn Băng, giám đốc công ty, thông tin, trong quá trình kinh doanh, 80% khách hàng đặt mua trực tuyến qua website, fanpage, Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử (TMĐT)… Vì vậy, công ty xác định bán hàng trực tuyến là chủ đạo.
“Chỉ cần đến cửa hàng một lần hay mua trực tuyến, nếu thấy sản phẩm uy tín thì những lần sau họ chỉ đặt mua trực tuyến và giới thiệu cho người thân dùng thử. Do đó, cần phải sắp xếp lại cửa hàng để tiết kiệm chi phí, chỉ giữ lại vài người để nhập, xuất hàng và nhận đơn của khách. Nhờ vậy, doanh số của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ”, ông Phạm Văn Băng chia sẻ.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (quận 1, TPHCM), cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, công ty đã đẩy mạnh TMĐT và kết quả là doanh thu từ thị trường trong nước năm 2022 có mức tăng trưởng hơn 300% so với năm 2021. Thời gian tới, công ty tiếp tục tập trung vào kênh bán hàng trực tuyến, đồng thời tổ chức giới thiệu sản phẩm bằng hình ảnh qua các nền tảng công nghệ, chỉ mở vài cửa hàng trực tiếp ở các thành phố lớn để khách hàng trải nghiệm.
Công ty TNHH TM-DV-XNK Bình Khánh (tỉnh Đồng Nai, chuyên thu mua, sản xuất, chế biến hạt điều) thử nghiệm đưa hàng vào các sàn TMĐT và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Tại các cửa hàng trưng bày bán hàng trực tiếp ngày càng vắng khách, nhưng qua các sàn TMĐT hiện doanh số đang tăng trưởng rất tốt, từ trên dưới 500 triệu đồng nay đã vượt 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, khi bán hàng trực tuyến không tuyển quá đông nhân sự, lại giảm được chi phí thuê mặt bằng”, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-XNK Bình Khánh, cho biết.
Kinh doanh trên nền tảng công nghệ cũng bùng nổ, lan tỏa tới các chợ, tạp hóa… Chị Trần Kim Hiền, kinh doanh quần áo ở chợ Tân Bình (TPHCM), cho hay, từ sau đại dịch Covid-19, khách đến chợ vắng hẳn khiến nhiều tiểu thương phải thay đổi phương thức kinh doanh để theo kịp xu hướng mới. Các tiểu thương tập chụp ảnh, quay video, đưa sản phẩm lên các trang mạng xã hội để bán và nhận tiền qua chuyển khoản.
“Mới thử nghiệm bán hàng qua mạng nhưng doanh số đạt được cao hơn nhiều so với bán hàng trực tiếp. Hiện tôi có 2 sạp bán quần áo tại chợ, sắp tới có thể sẽ sang bớt 1 sạp, lấy lại vốn để tập trung qua đầu tư bán hàng trực tuyến”, chị Trần Kim Hiền tâm sự.
Xu hướng tất yếu
Theo bà Lê Thị Dung, Giám đốc Khối tăng trưởng, Công ty cổ phần Công nghệ Sapo (TP Hà Nội), xu hướng là các doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng kênh bán hàng, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến, việc bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục chiếm ưu thế.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, cho rằng, TMĐT đã có những thay đổi lớn trong thời gian qua, và thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp sở công thương các tỉnh, thành phố và các sàn TMĐT tổ chức hàng loạt chương trình đào tạo, tập huấn và kết nối thương mại cho các doanh nghiệp; tổ chức các sự kiện, chương trình đặc biệt trên các sàn TMĐT tiêu thụ các đặc sản của địa phương, góp phần đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng; xây dựng một loạt chương trình cho các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu qua sàn
TMĐT quốc tế như Alibaba, Amazon… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, bên cạnh việc đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp thì nhà sản xuất cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, để TMĐT tiếp tục phát triển, thể hiện vai trò đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, đầu năm nay, Bộ Công thương đã ký ban hành Chương trình hành động của ngành công thương.
Trong đó, yêu cầu triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025; đảm bảo thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, ưu tiên hỗ trợ ứng dụng rộng rãi TMĐT trong doanh nghiệp và cộng đồng. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ phối hợp Bộ TT-TT quản lý kinh doanh TMĐT trên mạng xã hội…
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nền kinh tế có thị trường TMĐT lớn thứ 3 Đông Nam Á, cũng là 1 trong 4 quốc gia đã đưa Cổng thông tin TMĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài vào hoạt động.
Hiện đã có 6 nhà cung cấp nước ngoài nắm giữ 90% thị phần doanh thu dịch vụ TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam là Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix và Apple.
Thị trường TMĐT dự báo đạt 57 tỷ USD vào năm 2025
Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, Google đã dự báo quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam trong năm 2025 lên tới 57 tỷ USD. Trong khi đó, kết quả khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh được thể hiện rõ rệt và bùng nổ trong năm nay, với 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh là cửa hàng và trực tuyến.
Người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi tỷ lệ này với người bán hàng trực tuyến là 16,9% và người chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng là 15,07%. Trong số các kênh bán hàng trực tuyến, sàn TMĐT được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%).
Nguồn SGGP