Bình Dương nỗ lực tạo "vùng xanh" sản xuất tại các nhà máy
Hiện nhiều địa phương lây lan dịch bệnh nhanh, đặc biệt là các tỉnh, thành khu vực phía Nam, đang nỗ lực mở rộng "vùng xanh" trên bản đồ dịch COVID-19. Điển hình là thủ phủ công nghiệp Bình Dương.
Dù chưa chính thức có khái niệm "vùng xanh sản xuất", nhưng địa phương này hiện đang trong quá trình khoanh vùng, phòng dịch, bảo vệ được vùng xanh nằm phía Bắc của tỉnh an toàn. Còn với vùng đỏ ở phía Nam, giáp TP Hồ Chí Minh, Bình Dương áp dụng các nghiệp vụ phân lập đối tượng, chia vùng đỏ thành các khu nhỏ để bóc tách các ca F0.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hiện có gần 1.400 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly với gần 150.000 công nhân.
Hiện có gần 1.400 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly. (Ảnh: TTXVN)
Ngay trong chiều 10/8, tại buổi kiểm tra doanh nghiệp "3 tại chỗ" ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II tại thành phố Thủ Dầu Một, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đẩy nhanh tiêm vaccine cho công nhân tại các doanh nghiệp; đặc biệt ưu tiên 50% lượng vaccine cho lực lượng công nhân lao động "3 tại chỗ".
Chiến dịch tiêm vaccine tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu chắc tới đó để tạo "vùng xanh" an toàn cho khu vực sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp. Đây là "chìa khóa" để Bình Dương sớm trở lại bình thường mới.
Tiêu chí "doanh nghiệp xanh" cần thay đổi linh hoạt theo lĩnh vực kinh tế
Biện pháp "xanh hóa" theo khu vực cũng là nội dung được các hiệp hội doanh nghiệp và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất triển khai đồng bộ cấp quốc gia trong lĩnh vực sản xuất và thương mại để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, bảo tồn doanh nghiệp và tiếp tục tạo ra tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Với ngành logistics có khâu vận tải đóng vai trò then chốt trong lưu thông hàng hóa, mô hình "vận tải xanh" được đề xuất là một phương thức linh động, thay vì phải liên tục xét nghiệm lái xe, để lái xe áp dụng 3 tại chỗ ngay trên cung đường của mình.
"Chúng tôi đề xuất mô hình vận tải xanh, nghĩa là công ty vân tải và lái xe cam kết thực hiện quy tắc vận tải an toàn phòng dịch, không giao tiếp, không tiếp xúc ở hai đầu, tài xế ở yên trong cabin", Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho hay.
Công nhân một công ty ở Bình Dương chuẩn bị tâm thế “3 tại chỗ”. (Ảnh: TTXVN)
Còn với lĩnh vực sản xuất, chế biến, theo số liệu khảo sát nhanh của Ban IV, chỉ khoảng 53% nhà máy áp dụng được phương thức sản xuất "3 tại chỗ", kể cả áp dụng được cũng khó khăn chồng chất khi chi phí sản xuất tăng cao. Nếu hiện thực hóa "vùng xanh" sản xuất thì hoàn toàn có thể áp dụng "2 tại chỗ" để thay thế.
"Chúng ta đẩy mạnh khả năng tự test nhanh trong nội bộ các nhà máy để duy trì sản xuất theo mô hình 2 tại chỗ. Việc test nhanh này sẽ giảm tải cho lực lượng địa phương trong quá trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời cũng nâng cao trình độ của nhà máy trong việc kiểm soát dịch bệnh", Tổng Thư Ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết.
"Chúng tôi đề xuất phương án y tế tại chỗ. Nếu có một hướng dẫn thống nhất chung của Bộ Y tế, thì sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để sản xuất, triển khai", Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nói.
Tăng cường liên kết - Mấu chốt triển khai “vùng xanh” kinh tế
Việc mở rộng các "vùng xanh" an toàn, kết nối các vùng này với nhau trong các lĩnh vực sản xuất, lưu thông hàng hóa là tiền đề để tiếp theo mở dần vùng xanh sang các lĩnh vực hàng không xanh, thậm chí cả du lịch xanh... và chuẩn bị thí điểm cho việc mở cửa đón khách quốc tế khi Việt Nam tiêm đủ vaccine cho đa số người dân. Đây là một kế hoạch dài hơi, cần sự đồng bộ lớn và đang còn nhiều khó khăn, thách thức.
Để phát triển "doanh nghiệp xanh", Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỷ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, địa phương chủ động phân bổ vaccine, thiết lập vùng xanh, doanh nghiệp xanh.
"Hiện tại với nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nghiệp đã tạo được những điểm xanh an toàn bằng phương án 3 tại chỗ, 4 tại chỗ…, nhưng cần có sự chủ động bằng vai trò dẫn dắt hết sức quyết liệt của lãnh đạo các cấp chính quyền. Cần tính toán trên địa bàn một tỉnh có những cơ hội nào để thiết lập vùng xanh sản xuất. Bản thân doanh nghiệp đã sẵn sàng, chỉ cần chính quyền đứng ra hiệu triệu và công sức của doanh nghiệp thì chắc chắn hợp tác công - tư tiến triển rất nhanh", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhận định.
Chỉ khoảng 53% nhà máy thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến áp dụng được phương thức sản xuất "3 tại chỗ". (Ảnh minh họa: TTXVN)
Quy mô và tốc độ triển khai "vùng xanh" đặt ra thách thức về công nghệ thông tin. Khi các biến chủng virus có tốc độ lây lan càng nhanh chóng, việc thông tin về "vùng xanh an toàn", "vùng đỏ nguy hiểm" càng cần được cập nhật liên tục, đồng bộ để tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan.
"Để có thể duy trì 4 vùng xanh, hệ thống công nghệ thông tin rất quan trọng. Hệ thống thông tin của doanh nghiệp cần tích hợp vào hệ thống thông tin của nhà nước để quản lý cũng như đưa ra rủi ro, tính toán rủi ro, đưa ra giải pháp dựa trên các tình huống về COVID-19 tại từng địa phương", ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Ngay cả với các giải pháp công nghệ, đại diện Ban IV khẳng định, việc khó khăn nhất khi triển khai "vùng xanh kinh tế" là tính liên kết, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Nông nghiệp, Y tế... cần đồng hành cùng doanh nghiệp, lên những kịch bản tổng thể theo các chuỗi giá trị, để các giải pháp khả thi nhất.
"Bộ y tế cần hỗ trợ cho địa phương phân tầng về mặt y khoa với các điểm xanh doanh nghiệp, ví dụ như câu chuyện nấc an toàn nhất là nấc doanh nghiệp có 100% người lao động được tiêm, cách ứng xử có thể như với cúm mùa, hoạt động sản xuất bình thường. Kịch bản y khoa cũng cần có điều chỉnh tương ứng để luôn luôn có bộ phận kiện duy trì sản xuất, không có trường hợp toàn bộ doanh nghiệp bị lockdown bởi ca F0", bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh.
Lộ trình cung cấp thông tin minh bạch với người lao động để đảm bảo sức khỏe và tinh thần người lao động để họ yên tâm làm việc và phòng dịch cũng đóng vai trò then chốt.
Nguồn VTV