Hiện nay, tình trạng thiếu hệ thống trang thiết bị y tế đã diễn ra ở mức nghiêm trọng, Ảnh tại bệnh viện Bạch Mai
Trước khi tiếp cận và có nền y học hiện đại, Việt Nam chưa có các bệnh viện trung tâm lớn để khám chữa bệnh cho người dân ngoài các cơ sở tập trung các thầy thuốc phục vụ cho vua chúa, quan lại. Cơ bản người dân chưa được hưởng nền y tế, chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh quy mô, có hệ thống mà phụ thuộc vào các thầy lang, bà mụ sống trong khu vực.
Từ khi hội nhập phát triển, nền y học Việt Nam phát huy nền tảng và tiếp cận rất nhanh với y học thế giới. Các kỹ thuật, máy móc, công nghệ tiên tiến cũng được nhanh chóng áp dụng, sử dụng phổ biến để chăm sóc sức khoẻ người dân. Công nghệ phẫu thuật mổ nội soi (laparoscopy) áp dụng từ nền y khoa hiện đại hồi thập niên 90 thì chỉ 05 năm sau, các bác sĩ Việt Nam đã sử dụng thành thạo và có sự phổ biến đến cơ sở y tế cấp địa phương.
Trình độ phẫu thuật của các bác sĩ Việt Nam, đặc biệt là mổ não, mổ u ở các bệnh viện lớn như Việt - Đức, Chợ Rẫy, Tân Triều… đạt mức độ điêu luyện đến thế giới phải ghi nhận và kính phục. Cũng một phần bởi bác sĩ phẫu thuật ở Việt Nam làm việc liên tục, số ca thực hiện cao hơn hẳn các quốc gia khác, nên độ thuần thục về tay nghề “trăm hay không bằng tay quen” là điều đương nhiên.
Vậy mà người bệnh đang có nguy cơ phải giã từ nền y học hiện đại quay về với các thầy lang vườn, với các quảng cáo “nhà tôi ba đời là thần y’ để lừa đảo trên youtube, thay vì được thăm khám điều trị kịp thời do thời gian này các bệnh viện lớn, trung ương như Việt Đức, Chợ Rẫy…, nơi người có bệnh hiểm nghèo đặt niềm tin, hy vọng cuối cùng thì lại có thông tin thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu.
Bệnh viện hết số tồn an toàn về dược phẩm y tế, hoá chất chỉ còn đủ hoá chất dùng cho xét nghiệm cơ bản trong một tuần, thiếu vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống. Bệnh viện cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Bệnh viện cho biết, thời gian qua đã tích cực thực hiện các thủ tục đấu thầu vật tư, hóa chất..., tuy nhiên gặp vướng mắc chưa thực hiện được trong khi vật tư tồn kho sắp cạn kiệt.
Đúng là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng đang thừa quy định, quy trình thủ tục. Đặc biệt là về hoạt động đấu thầu mua sắm với cái vòng kim cô kiểu giá thầu phải thấp hơn giá năm trước trong khi giá cả trang thiết bị, thuốc của ngành Y luôn có biến động. Người có thẩm quyền phải làm theo các thủ tục đăng ký dự thầu, chào hàng, lấy rồi so sánh báo giá, chọn thầu, rồi ký hợp đồng mất nhiều thời gian.
Hàng loạt quan chức, cán bộ ngành Y tay nhúng chàm, dính sai phạm khi thực hiện các gói thầu làm các cán bộ còn lại như “chim đã phải tên thấy cành cong cũng sợ” không dám ra quyết định hay ký để bổ sung vật tư y tế. Còn bác sĩ hiện đại bây giờ khám, chữa, phẫu thuật phụ thuộc nhiều vào máy móc, trang thiết bị, các loại thuốc men, nếu thiếu hết thì như người chiến sĩ ra trận cầm súng nhưng không có đạn, sẽ bất lực trước cái chết của đồng đội, đồng bào.
Để đảm bảo hoạt động, từ 1/3/2023, Bệnh viện Việt Đức sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu, hạn chế mổ phiên. Song song đó là ưu tiên các ca mổ cấp cứu. Năm 2022, Việt Đức mổ xấp xỉ 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu.
Bệnh viện mà người dân đặt nhiều niềm tin như Bệnh viện Quân đội 108 thì mẹ của anh bạn vừa phàn nàn là đi lên khám mà máy xét nghiệm bị hỏng, máy dùng được thì lại đang điều tra nên phải theo giới thiệu đi khám dịch vụ. Khám xong thì lại phải xếp lịch chờ đợi mổ do bệnh nhân đông lại phải vòng về Hải Phòng chờ đợi.
Vẫn biết có bệnh thì phải vái tứ phương, nhưng để bệnh nhân mang bệnh mà thiếu thuốc thì quả thực người bệnh đã khó lại gặp cái eo. Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để sang chữa, điều trị tại các bệnh viện tư - nơi cái gì cũng có, nhưng không có tiền thì không có.
Bệnh viện tuyến dưới khi thiếu thuốc, vật tư, họ làm cái giấy chuyển viện đẩy bệnh nhân lên tuyến cuối, thành thử những bệnh viện lớn, trung ương thành nơi đẩy hạ. Bệnh viện Bạch Mai phải ngược xuôi xoay xở “giật gấu vá vai”, nhưng rồi cũng sẽ đến lúc “chùn chân mỏi gối”. Giám đốc bệnh viện Bạch Mai chắc chắn không dưới một lần báo cáo Bộ Y tế, các bộ liên quan để “xin” cơ chế chuẩn, hàng lang pháp lý để đi đấu thầu chứ không xin tiền ngân sách, nhưng các thứ vẫn còn mắc mớ, bùng nhùng.
Người dân kỳ vọng vào người lãnh đạo mới của ngành Y tế, dám vì sức khoẻ người dân, nhanh chóng quyết định khai thông bế tắc về thủ tục pháp lý, giúp các bệnh viện nhanh chóng bổ sung được thuốc, thiết bị phục vụ người bệnh. Bệnh dịch COVID-19 hiện tại đã bão hoà cộng đồng, số ca nhiễm hàng ngày chỉ còn vài chục người, nên không thể vin vào lý do khó khăn do dịch bệnh để làm lá chắn.
Xin hãy mạnh dạn cương quyết với “tâm sáng, lòng trong”, xứng đáng là vị Tư lệnh ngành được người dân và các cấp tin tưởng giao phó, đánh thẳng vào mớ bùng nhùng về thủ tục, đánh thắng được kẻ thù mang tên “thiếu thuốc” để bảo vệ cho sức khoẻ người dân.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp