Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của toàn nền kinh tế năm 2023 ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD, tăng 274 USD so với năm 2022). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%.
Tuy nhiên, mức tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD, chỉ bằng 11,3% của Singapore, 23% Hàn Quốc, 24,4% Nhật Bản, 33,1% Malaysia, 59,1% Thái Lan, 60,3% Trung Quốc, 77% Indonesia và bằng 86,5% Philippines. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn Campuchia (gấp 2,4 lần), Myanmar (1,6 lần) và Lào (gấp 1,2 lần).
Tăng NSLĐ đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động (NLĐ). Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi NLĐ tăng lên, doanh nghiệp có thể trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh. Tăng NSLĐ có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra tốc độ tăng NSLĐ bình quân mỗi năm trên 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải làm thật tốt công tác đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Bản thân từng NLĐ phải có trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng mềm và rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động.
Về phía doanh nghiệp, để tạo động lực phấn đấu cho NLĐ, phải quan tâm thực hiện tốt các chế độ lương, thưởng và phúc lợi. Có nguồn lao động tốt song phải có cơ chế để tạo động lực, kích thích tăng NSLĐ một cách bền vững.
Tại hội nghị phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18-5-1963, Bác Hồ đã nói: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao NSLĐ và không ngừng cải tiến đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi". Tư tưởng của Người còn nguyên giá trị đến ngày nay và để thực hiện được trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, cần nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng tri thức mới vào các hoạt động sản xuất-kinh doanh; nâng cao NSLĐ để đưa doanh nghiệp phát triển, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo báo cáo tổng quan Việt Nam 2035, do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện, đến năm 2035, Việt Nam sẽ là một nước có thu nhập trung bình (GDP đầu người đạt 22.000 USD). Tuy nhiên, theo ông Sandeep Mahaijan, chuyên gia Kinh tế trưởng WB, tăng trưởng năng suất giảm là thách thức lớn nhất đối với khát vọng tăng thu nhập của Việt Nam đến năm 2035. Hãy biến khát vọng, mục tiêu thành hiện thực bằng ý chí của dân tộc, bằng những quyết sách lớn, đầy tính khả thi và bằng nỗ lực của từng NLĐ.
Theo Gia Lai Online