Những hình ảnh đẹp về ngày hội tòng quân đưa, tiễn hàng vạn tân binh lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc trong những ngày đầu xuân vừa qua vẫn còn gây xúc động mạnh trong mỗi người dân. Thế nhưng trên các trang mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân thù địch móc nối với các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng bất mãn cố tình cắt ghép, ngụy tạo những bức ảnh, video xuyên tạc việc tham gia nghĩa vụ quân sự của thanh niên Việt Nam.
Phóng viên VOV phỏng vấn cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo Phùng Huy Thịnh, nguyên Trưởng Ban Hà Nội Mới cuối tuần, Báo Hà Nội Mới về nội dung này.
PV: Ông có suy nghĩ như thế nào trước những luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị, đối tượng bất mãn về ngày hội tòng quân?
Ông Phùng Huy Thịnh: Tôi không lạ gì những trường hợp này. Thậm chí, có những người “tự diễn biến” đến bây giờ cũng có những suy nghĩ bị ảnh hưởng theo lối bất mãn, theo luồng trào lưu của “phía bên kia” chống đối lại việc này.
Thử nghĩ xem, nếu thanh niên không nhập ngũ thì lực lượng bảo vệ Tổ quốc là ai? Ai sẽ ngăn chặn các tổ chức phản động đàn áp nhân dân, tiêu diệt chính quyền như vụ việc ở Đắk Lắk vừa qua. Nếu không có bộ đội, công an bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì chúng ta có thể yên thân ngồi đây được không?
Bộ đội Việt Nam không chỉ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà trong tất cả tiền đồ của chúng ta khi đất nước gần bờ biển, thường xuyên bão tố, lũ lụt, nếu không có bộ đội thì ai cứu nhân dân trong những vùng ngập chìm, thác lũ như vậy? Bộ đội cũng là lực lượng sát cánh với nhân dân, để lại nhiều hình ảnh xúc động nhất.
PV: Dường như các thế lực thù địch không chỉ đơn thuần nhằm bóp méo ý nghĩa của ngày hội tòng quân mà họ còn có âm mưu sâu xa và nham hiểm hơn?
Ông Phùng Huy Thịnh: Đây là một trong những luận điệu thường xuyên của những kẻ chống đối chúng ta từ trước đến nay. Trong nhóm này có không ít người đã rời bỏ Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất, những kẻ nhân danh đạo đức, nhân danh tôn giáo đều xuyên tạc chuyện này. Nhưng họ không thể nào phủ nhận được sự cần thiết của lực lượng quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.
Hiện nay, chúng ta rất cần bảo vệ biển đảo xa xôi. Nếu không có thanh niên nhập ngũ thì lấy đâu ra lực lượng bảo vệ này.
Còn bản thân tôi rất tin thanh niên hiện nay, họ có mặt bằng cao hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều, trái tim họ cũng yêu gia đình, yêu đất nước như chúng tôi. Và tôi tin rằng, tất cả những luận điệu của kẻ thù, của đám chống đối dù có thế nào đi chăng nữa cũng không che lấp được sự cần thiết và niềm vinh dự của thanh niên khi nhập ngũ.
Tôi đã chứng kiến, có những thanh niên sau 2 năm nhập ngũ về sống cuộc sống đời thường, không có việc gì là họ không làm được. Nhiều bạn khẳng định rằng, chỉ cần 2 năm nhập ngũ ở thời bình, họ đã vượt qua biết bao gian khổ trong những ngày bảo vệ nhân dân ở vùng thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn…Và sau 2 năm nhập ngũ, các bạn ấy đã trưởng thành rất nhiều.
Không có nơi nào rèn luyện tuyệt vời hơn môi trường quân đội. Có những vị tướng như ông Phan Văn Giang cũng đã trải qua những năm tháng chiến tranh, nếu không tham gia quân đội thì làm sao có những vị tướng giỏi giang, giúp chúng ta đứng vững trên rất nhiều mặt trận như vậy. Có thể nói rằng, vào bộ đội đó chính là niềm tự hào và cũng là nghĩa vụ theo luật.
PV: Có ý kiến cho rằng, thời bình không cần phải gọi công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Phùng Huy Thịnh: Thời nào cũng cần quân nhân để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Không chỉ vậy, đó còn là đội ngũ giỏi giang đến mức dù thiên tai hay bất cứ lúc nào họ vẫn có mặt bên nhân dân. Và không chỉ nước ta, bất cứ nước nào trên thế giới cũng như vậy. Làm sao có thể nói không cần nhập ngũ, không cần quân đội được. Đây là một luận điệu ngây thơ đến mức hèn hạ.
PV: Ở các nước cũng có các chính sách nghiêm ngặt về tuyển quân hàng năm, khác hẳn với luận điệu xuyên tạc rằng, chính sách của các nước trên thế giới chỉ quan tâm chăm lo đào tạo cho thanh niên lập nghiệp, còn Việt Nam, thanh niên phải tham gia nghĩa vụ quân sự mà các thế lực thù địch vẫn rêu rao. Ông bình luận gì về những luận điệu này?
Ông Phùng Huy Thịnh: Thật buồn cười vì tôi thấy đây là một quan niệm như trẻ con vậy. Làm gì có chuyện các nước khác thanh niên chỉ có việc lập nghiệp, còn thanh niên Việt Nam phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Không một quốc gia nào trên thế giới không có quân đội.
Nước Mỹ tự xưng là nước dân chủ nhất thì lực lượng quân đội của họ như thế nào nếu không có nam thanh nữ tú, kể cả phụ nữ Mỹ cũng nhập ngũ. Nếu không có lực lượng đông đảo này, thì họ làm sao có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn căn cứ quân sự ở khắp thế giới như hiện nay để bảo vệ nền “dân chủ tuyệt đối” của họ.
PV: Ông có bình luận về những chính sách của Nhà nước và quân đội ta trong việc giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ?
Ông Phùng Huy Thịnh: Tham gia nghĩa vụ quân sự là thực hiện pháp luật về quân sự mà Hiến pháp quy định. Chỉ sau thời gian nhất định, người thanh niên đó được ra quân, trở lại cuộc sống đời thường. Còn trong trường hợp thanh niên có năng khiếu quân sự thì sẽ được vào các trường sỹ quan để được đào tạo thành sỹ quan chuyên nghiệp.
Còn nhớ có câu: “Trong mỗi ba lô binh nhì đều có sẵn một chiếc can của cấp tướng”. Đó là những người lính có năng khiếu quân sự, sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu trải qua thực tế chiến đấu trực tiếp thì có thể trở thành những vị chỉ huy, và sau này có thể trở thành những tướng lĩnh nổi tiếng chỉ đạo toàn quân.
Thanh niên Việt Nam sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tối thiểu sẽ được trở lại đời thường và họ sẽ được ưu tiên nhiều chế độ, cả trong thời bình lẫn thời chiến, họ đều được xã hội trân trọng. Đặc biệt là những người trải qua thương tật, là thương binh đều được ưu tiên ở mọi nơi, mọi lúc.
PV: Vẫn có một bộ phận nhỏ thanh niên bị ảnh hưởng bởi lối sống cá nhân hưởng thụ, thực dụng nên ngại vất vả, rèn luyện, có những so đo tính toán thiệt hơn, thậm chí tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Nhưng đây chỉ là trường hợp cá biệt, cũng có trường hợp bị xử lý nghiêm theo quy định. Thế nhưng từ một số trường hợp cá biệt này, một số phần tử cơ hội đã bơm thổi, tung tin trên mạng xã hội rằng đó là một trào lưu, thanh niên hiện nay đang tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ quân sự. Ông có bình luận gì về những thủ đoạn này?
Ông Phùng Huy Thịnh: Nếu quân đội không mạnh, nếu chiến tranh nhân dân không rộng khắp làm sao chúng ta có thể chống lại biển lửa của B52 trong chiến tranh chống Mỹ. Có thể nói rằng, cuộc chiến tranh nhân dân đã đưa toàn dân vào trong một mặt trận, cùng đồng cam cộng khổ chiến đấu chống lại các thế lực. Sau đó, các thế lực buộc phải cuốn cờ rút khỏi nước ta.
Cá biệt có thanh niên nào không nhớ lịch sử, chưa hiểu tình hình thì hãy vào mạng đọc lịch sử thì các bạn sẽ nhớ rằng, dân tộc ta không bao giờ hèn. Những người cho rằng, vào quân đội là gian khổ thì hãy rèn luyện đi, sau này sẽ trưởng thành rất nhanh và tôi khẳng định, bạn nào đã qua quân đội rồi thì sẽ không sợ bất cứ một khó khăn nào trong cuộc sống.
PV: Tại mỗi quốc gia, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nào. Ở Việt Nam có câu: giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm của toàn dân. Ý kiến của ông như thế nào trước những thông tin xấu độc về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện nay?
Ông Phùng Huy Thịnh: Tất cả thông tin xấu độc đều là những thông tin có mục đích chống đối; những thông tin kiểu này cũng rất ngây thơ để thổi phồng cái này, cái kia; đây cũng là hậu quả của những nhìn nhận rất lệch lạc.
Nếu có thông tin xấu độc trên mạng, chúng ta phải khẳng định rằng, chúng ta nhập ngũ chính là đứng về phía những người vất vả, gian nan cần được bảo vệ trong thời bình.
PV: Xin cảm ơn ông.