Theo báo cáo tóm tắt của Ban Chỉ đạo, công tác thông tin đối ngoại 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khá toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có diễn biến mới, nhiều vấn đề vượt ngoài dự báo, tính bất ổn gia tăng, một số khó khăn, thách thức mới xuất hiện.
Nội dung thông tin đối ngoại toàn diện, kịp thời, đảm bảo thông tin tích cực giữ vai trò chủ đạo, tình hình về Đảng, đất nước trên mọi lĩnh vực, tình hình quốc tế đã được thông tin kịp thời, khách quan; các sự kiện chính trị-xã hội nổi bật của đất nước được các cơ quan chức năng liên quan phối hợp trao đổi thông tin, sớm có sự chỉ đạo thống nhất về nội dung, đồng bộ trong triển khai.
Đồng thời, thông tin đậm nét về bức tranh kinh tế Việt Nam với nhiều gam màu sáng; thông tin toàn diện, kịp thời các hoạt động đối ngoại sôi nổi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng nhiều ngôn ngữ, loại hình; truyền tải đầy đủ các thông điệp đối ngoại quan trọng, thông tin tổng hợp về quan hệ giữa Việt Nam và các nước, phản ánh đóng góp tích cực của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề quốc tế, sự tham gia trách nhiệm tại Liên hợp quốc, các cơ chế và tổ chức quốc tế đa phương.
Báo cáo nhấn mạnh, công tác định hướng tuyên truyền thành tựu về đảm bảo quyền con người, đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Thông tin, tuyên truyền về tình hình biển, đảo, biên giới lãnh thổ; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giúp nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nghiệm của quần chúng nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hoạt động chống phá, kích động, xuyên tạc.
Trong 6 tháng đầu năm, công tác đổi mới phương thức thông tin đối ngoại có nhiều bước tiến rõ rệt, kết hợp và phát huy hiệu quả truyền thông truyền thống với truyền thông mới, từng bước nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại, không ngừng đổi mới hình thức các ấn phẩm tuyên truyền, cách thức truyền tải thông điệp theo hướng ngắn gọn, sinh động, thuyết phục.
Công tác thông tin đối ngoại cũng đã cho thấy sự chủ động trong dự báo và triển khai các biện pháp đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, xuyên tạc; ứng phó hiệu quả trước những tình huống phát sinh, những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, bảo đảm an ninh tư tưởng, ổn định xã hội, duy trì luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới, như nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh trên mặt trận dân chủ, nhân quyền; phối hợp cung cấp thông tin và xác định phương thức thông tin đối ngoại cụ thể đối với từng nhóm đối tác khác nhau.
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương và các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nỗ lực tăng cường hiệu quả quan hệ đối tác với các nước; hình ảnh về đất nước, văn hóa, con người, thành tựu của Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại, nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
"Cần tiếp tục nắm vững chủ trương, nghiêm túc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng; đối ngoại phải vì lợi ích quốc gia dân tộc; cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đồng thời, tinh thần thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải cao hơn; phải hiệu quả, hiện đại hơn và sát thực tiễn hơn", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.