Quảng Ninh được biết đến là tỉnh thành công trong cải cách hành chính, thường xuyên dẫn đầu cả nước về các chỉ số như, PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), SIPAS (hài lòng sự phục vụ hành chính), PAPI (hiệu quả quản trị hành chính công), ICT (mức độ ứng dụng công nghệ thông tin)… Thế nhưng, để thu hút được đầu tư, nhiều năm trước Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng đến quy hoạch – đây chính là điểm khác biệt của địa phương này trong thu hút đầu tư.
Tháng 9/2014, sau rất nhiều thời gian triển khai lập quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược quan trọng, tạo nền móng vững chắc để tỉnh cụ thể hóa các mục tiêu phát triển.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, một trong những vấn đề được Quảng Ninh vạch ra trước mắt và lâu dài, đó là cần phải có những quy hoạch chiến lược để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sức lan tỏa để thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Khắng: "Năm 2011, tỉnh Quảng Ninh đã mời tư vấn nước ngoài về làm 7 quy hoạch chiến lược, đây đích thị là chiến lược, hướng đi cho Quảng Ninh, chìa khoá mở ra thành công như ngày hôm nay. Đến thời điểm này vẫn kế thừa phát huy 7 quy hoạch chiến lược này và đang xây dựng quy hoạch tỉnh cho giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi đã giải quyết được quy hoạch xây dựng, đất đai và quy hoạch ngành. Đây là kinh nghiệm, nếu không giải quyết được 3 loại quy hoạch này thì các dự án cả trong nước và nước ngoài vào đều gặp khó khăn".
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực...
Thanh Hoá đặt mục tiêu trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, trụ cột tăng trưởng phía bắc cả nước, cùng với Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển. Nhiều năm nay Thanh Hoá đặc biệt ưu tiên phát triển hạ tầng, nỗ lực xây dựng và vận hành chính quyền kiến tạo, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định: 'Tất cả doanh nghiệp đến đầu tư ở Thanh Hoá thì tỉnh có đề án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tài sản, con người cho nhà đầu tư. Chúng tôi cũng tiếp tục tạo mọi điều kiện trước, trong và sau đầu tư, làm hài lòng nhà đầu tư, với phương châm thành công của doanh nghiệp góp phần thành công của tỉnh, quan điểm lợi ích hài hoà, rủi ro cùng chia sẻ".
Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang tận dụng tiềm năng, lợi thế để chạy đua phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo các tiêu chí đó là phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Đây là nhiệm vụ kép không dễ để thực hiện. Các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh hay Nghệ An… đang chú trọng vấn đề tăng trưởng xanh, bền vững.
Ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, để đạt được mục tiêu này là điều không dễ. Nghệ An là tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù, nếu không có chiến lược cụ thể thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đến xã hội và người dân trong hiện tại và tương lai. Từ 2018 Nghệ An đã thay đổi chính sách thu hút đầu tư.
"Nghệ An năm 2021 ban hành Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư; về hạ tầng thì chúng ta biết là năm tới thông cao tốc Bắc - Nam, qua Thanh Hoá - Nghệ An, đây là động lực lớn để phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi coi đây là sự đón đầu và chúng tôi có sự chuẩn bị cho hạ tầng đồng bộ tại các khu công nghiệp, xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư" - ông Hoa nhấn mạnh.
Xác định thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm phát huy tối đa nội lực, thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Kết quả thu hút đầu tư hôm nay là cả một chiến lược bài bản, khoa học, như quy hoạch ở Quảng Ninh, phát triển hạ tầng giao thông ở Thanh Hoá hay tinh thần linh hoạt, đón đầu ở Nghệ An… cho thấy những bước đi bài bản, hiệu quả./.
Sỹ Đức/VOV1