Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi; Tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo; có bờ biển dài 192 km, có tiềm năng phát triển du lịch và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 552 triệu USD, bằng 75,8% kế hoạch, tăng 38,5% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,12%; dịch vụ chiếm 38,22%; nông - lâm - thủy sản chiếm 27,65%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển, sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; khoa học và công nghệ có bước tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung triển khai thực hiện; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã chỉ ra những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, khó khăn thách thức và những tồn tại hạn chế như: một số mặt của tỉnh phát triển chậm, chưa vững chắc. Tái cơ cấu kinh tế của tỉnh và trong nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Liên kết vùng còn yếu. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển. Tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn hạn chế, Tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp hơn so với trung bình cả nước …
Tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng giao thông như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55; làm mới tỉnh lộ ĐT.711; kiến nghị về việc thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển; Về phát triển điện gió ngoài khơi; đề nghị tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; và đầu tư hạ tầng phát triển năng lượng điện.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả chung của cả nước.
Sau khi phân tích các tiềm năng thế mạnh, cơ hội, thách thức và chỉ rõ những tồn tại hạn chế Thủ tướng đề nghị: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phải luôn bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Bình Thuận phải phát triển nhanh, phát triển xanh và phát triển bền vững. Muốn làm được ba việc ấy thì phải có 5 giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện điều hành. Thứ hai là phát triển hạ tầng chiến lược. Thứ ba là đào tạo nguồn nhân lực. Thứ tư là xây dựng cơ chế chính sách. Thứ năm là chuyển đổi và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Phải phục vụ cho việc phát triển xanh, phát triển nhanh và phát triển bền vững."
Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn. Công tác chỉ đạo, điều hành, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải dứt điểm đến đó, việc nào phải xong việc đó.
Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; Thống nhất nhận thức và hành động với phương châm: suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm bình tĩnh, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu, tăng cường đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển. Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng khẳng định: "Biến du lịch thành trụ cột. Các đồng chí đầu tư và quy hoạch lại cho phù hợp và khai thác tối đa tiềm năng của tỉnh. Chúng ta có 192 km bờ biển này cộng với nắng với gió. Trung tâm du lịch quốc gia Mũi Né phải trở thành trung tâm du lịch của khu vực và quốc tế, chứ không phải chỉ quốc gia. Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng chiến lược để phục vụ cho phát triển xanh, phát triển nhanh và phát triển bền vững. Trước hết là tập trung cho sân bay. Bộ Kế hoạch đầu tư cùng với UBND tỉnh Bình Thuận từ nay đến cuối năm cố gắng chọn được nhà đầu tư và điều chỉnh lại tổng mức đầu tư".
Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; Không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế theo tinh thần chung: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Về các kiến nghị của Tỉnh trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Trước đó cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới tham quan Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí NovaWorld Phan Thiết với quy mô 1.000 ha.
Tại đây Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu với tỉnh Bình Thuận những địa điểm, vị trí đẹp nhất phải dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia vào dự án và được hưởng lợi từ dự án theo định hướng của tỉnh.
Đối với nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra và khai thác, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên, văn hóa của khu vực Mũi Né, của Bình Thuận để phát triển du lịch so với các khu vực khác của Việt Nam và của thế giới theo hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, cân đối, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường./.
Vũ Khuyên/VOV