Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2030 diễn ra ngày 30-31/5/2021 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Moon Jae In.
Tham dự Hội nghị có gần 70 Lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên P4G, các khách mời và lãnh đạo các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA)…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng đặc biệt của Hội nghị thượng đỉnh P4G năm nay với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon”. Thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Hơn lúc nào hết cần chung tay hành động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và phục hồi xanh. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố Hàn Quốc cam kết tăng cường đóng góp vào các nỗ lực chung và hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực môi trường, tăng trưởng xanh, nổi bật là thành lập Quỹ chiến lược xanh mới với quy mô 5 triệu USD, đóng góp thêm 4 triệu USD cho cơ chế P4G.
Hoạt động quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh là Phiên thảo luận cấp cao diễn ra tối 31/5 (theo giờ Việt Nam) với sự tham dự trực tuyến của Lãnh đạo cấp cao các nước Hàn Quốc, Đan Mạch, Colombia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Việt Nam, Hà Lan, Kenya, Costa Rica, Peru, Áo, Thái Lan, Campuchia, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Phiên thảo luận cấp cao với tư cách là thành viên sáng lập của P4G. Tại Phiên họp, các nhà Lãnh đạo đã tập trung thảo luận ba vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đó là phục hồi xanh từ đại dịch Covid-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế đạt mục tiêu trung hoà các-bon đến năm 2050 và tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công – tư.
Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng thế giới đang trải qua những tác động cộng hưởng với mức độ và quy mô chưa từng có của ba thảm họa là đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; để lại các hệ lụy to lớn, nhiều mặt, không chỉ hiện nay mà còn với các thế hệ tương lai.
Thủ tướng nhấn mạnh chính đại dịch và những khó khăn, thách thức cũng để các nước thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa con người và thiên nhiên và là động lực để thúc đẩy các nước cùng hợp tác vượt qua. Thủ tướng đề nghị hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu phát triển xanh và phát triển bền vững hơn thời kỳ hậu Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra sáu giải pháp quan trọng tại Phiên thảo luận:
Thứ nhất, phục hồi xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, trong đó khuôn khổ chung là các SDGs của Liên Hợp Quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh.
Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia. Các nước phát triển cần tiếp tục tiên phong thực hiện cam kết về giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ về tài chính, công nghệ và thể chế cho các nước đang phát triển và các nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Thứ ba, quan tâm xây dựng thể chế để khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án công - tư trong tăng trưởng xanh; hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công - nông nghiệp và dịch vụ.
Thứ tư, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Tiểu vùng sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới.
Thứ năm, ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch Covid-19 là giải pháp cấp bách hiện nay; đề nghị tăng cường hỗ trợ cung cấp các nguồn vaccine, hợp tác đi lại và duy trì ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại - đầu tư quốc tế.
Thứ sáu, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tôn trọng vì lợi ích chung của toàn nhân loại, bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển xanh với con người là trung tâm, chủ thể, và mục tiêu cao nhất của phát triển, trong đó có phát triển xanh.
Tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ lời cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhất là trong các dự án hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược chất lượng cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh… hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí cho rằng khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 là hai thách thức toàn cầu khẩn cấp. Nhiều ý kiến nhấn mạnh phục hồi theo hướng xanh và bền vững cần trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm tạo bước ngoặt trong thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs). Các nhà Lãnh đạo cũng đề cao tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác bao trùm giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nhất là đối tác công-tư (PPP).
Hội nghị đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp rõ ràng, nhất quán, khẳng định chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu với phương châm kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà phải hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Kết thúc Phiên thảo luận, các nhà Lãnh đạo đã nhất trí thông qua Tuyên bố Seoul, khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà Lãnh đạo P4G và các đối tác, đồng thời đưa ra những định hướng, giải pháp lớn nhằm phục hồi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bao trùm, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon. Nổi bật là quản lý nguồn nước bền vững, thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ hy-đrô; xây dựng nông nghiệp bền vững gắn với bảo đảm an ninh lương thực; phát triển thành phố xanh thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi sang “xã hội không rác thải”; tăng cường hỗ trợ chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển gắn với cung cấp tài chính, công nghệ, bảo vệ các nhóm dễ tổn thương.
Các nhà Lãnh đạo P4G đánh giá cao vai trò và những cam kết mạnh mẽ của nước chủ nhà Hàn Quốc và trông đợi Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 3 được tổ chức tại Colombia và năm 2023. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị đã khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào các vấn đề chung toàn cầu cũng như góp phần củng cố quan hệ Đối tác và hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ 2 đã thành công tốt đẹp, tạo động lực mới trong việc thống nhất nhận thức, chia sẻ trách nhiệm, chung tay ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu xanh toàn cầu. Những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị là nền tảng quan trọng hướng tới Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26)./.
PV/VOV.VN