Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Sáng 3/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự Phiên họp.
Tại Phiên họp, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng 5 vừa qua, tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó các vấn đề như cạnh tranh chiến lược; xung đột tại Ukraine; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nguy cơ lạm phát; giá dầu thô, nguyên liệu đầu vào tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu... tác động đến phát triển kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, ngoài các công việc thường xuyên, đất nước thực hiện nhiều nhiệm vụ mới như: chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; tổ chức SEA Games 31; các hoạt động đối ngoại...
Ngoài ra vẫn phải tiếp tục xử lý các vấn đề tồn động như xử lý các dự án thua lỗ kéo dài, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án cụ thể như dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt Điện Long Phú, Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp, dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện.
Tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của nước ta tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa... Việt Nam đã tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14 toàn cầu trong bảng xếp hạng phục hồi sau dịch COVID-19.
"Kết quả này là nhờ sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh, quốc phòng được củng cố; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục quan tâm; hoạt động đối ngoại nhộn nhịp; đời sống của nhân dân cơ bản được cải thiện...
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, tuy nhiên trong tháng 5, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội chưa đạt yêu cầu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; một số vấn đề liên quan sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh...đòi hỏi phải có giải pháp xử lý, giải quyết sớm.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận đánh giá, phân tích những kết quả đã đạt được, những khó khăn, hạn chế và đặc biệt là bài học, giải pháp cần thực hiện để thúc đẩy kinh tế-xã hội phục hồi nhanh, phát triển bền vững, nhất là xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển./.
Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)