Sáng 7/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973 - 21/9/2023).
Tại Hội thảo, Thủ tướng cho biết tiềm năng hợp tác của hai nước còn rất phong phú. Ông khuyến khích các doanh nghiệp Nhật mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đồng thời thúc đẩy hợp tác ở các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng kỳ vọng Nhật Bản sẽ tăng cường hơn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Ông Hideo Ichikawa, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Kendanren) nhận xét Việt Nam hiện là cửa ngõ quan trọng của ASEAN với thế giới và là một thị trường hấp dẫn.
Ông đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có Nhật Bản.
Khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) gần đây cho thấy, trong 1-2 năm tới, có 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Ngược lại, số người Việt ở Nhật cũng lên đến 500.000 người, là một trong những cộng đồng nước ngoài lớn nhất tại quốc gia này.
"Điều đó đúng với câu nói của người Việt Nam đất lành, chim đậu", Thủ tướng nói. Ông cũng đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc và sự tin tưởng của các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam. Theo ông, đây là những yếu tố để giúp hai nước hợp tác thành công.
Hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua, theo Thủ tướng đã được đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý cho quan hệ song phương; cùng là thành viên của nhiều hiệp định lớn như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những điều này tạo ra hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh doanh trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ cho nhau.
Về hợp tác phát triển (ODA) sau hơn 30 năm, Nhật Bản thành quốc gia viện trợ hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ yen vốn vay, gần 100 tỷ yen viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ yen dành cho hợp tác kỹ thuật, chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Nguồn vốn này góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn (như sây bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cảng biển Cái Lân, Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải; cầu Thanh Trì, Nhật Tân; tuyến metro tại TP HCM, Hà Nội) tạo động lực thúc đẩy giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Liên quan đầu tư, Nhật Bản đang có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trên 141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Với thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm ngoái đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (Việt Nam xuất khẩu sang Nhật gần 25 tỷ USD, nhập khẩu gần 24 tỷ USD).
Ngoài ra, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Nguồn VnExpress