Chiều 16/6, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Covid-19 là đại dịch lớn nhất trong 150 năm qua, gây đứt gãy toàn bộ thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nói công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta đã bước đầu thành công, trong đó có vai trò rất lớn của báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc lại lời cảm ơn gửi tới các tầng lớp nhân dân, cán bộ chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đã nỗ lực khắc phục khó khăn, dốc sức đồng lòng, chia sẻ, chung tay chống dịch Covid-19.
45 năm kể từ sau khi thống nhất đất nước, lần đầu tiên hai chữ Việt Nam được lan toả mạnh mẽ đến thế khi hàng loạt tờ báo lớn thế giới cùng khen ngợi thành tích chống dịch của Việt Nam.
“Đặc sản” chống dịch của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam triển khai các phương án chống dịch Covid-19 từ rất sớm, ngay từ trước Tết Nguyên Đán. Sau đó chúng ta kiên trì nguyên tắc “chống dịch như chống giặc” và “thà hy sinh quyền lợi kinh tế ngắn hạn để đảm bảo sức khoẻ nhân dân”. Trên cơ sở đó, đã xây dựng các đối sách “đặc sản” của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các tầng lớp nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP
Thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo quốc gia, đã huy động được toàn dân cùng đồng tâm hiệp lực, tham gia chống dịch. Đây là ưu điểm của chế độ, là điểm ưu việt mà nước khác không có.
Chưa bao giờ sự phối hợp giữa trung ương và địa phương lại tốt như vừa qua. Lực lượng công an, quân đội cũng tham gia chống dịch từ rất sớm, không ngại khó, ngại khổ, rất nhiều người đi biền biệt mấy tháng gác chắn trên biên giới, dù vợ sinh, cha mất cũng không thể về.
Về phía người dân, chưa có đại dịch nào người dân phối hợp tốt như vừa qua. Có nhiều thời điểm, đường phố vắng lặng khi người dân tuân thủ rất tốt phương châm “nhà nào ở nhà đó, xã nào ở xã đó, tỉnh nào ở tỉnh đó…”. Thậm chí ở nhiều nơi, lực lượng cựu chiến binh cùng “lập chốt” không cho người lạ đi vào.
Lần đầu tiên, chỉ trong thời gian ngắn sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi, người dân ủng hộ được trên 2.000 tỉ đồng. Thêm vào đó là hình ảnh ATM gạo ở khắp nơi, hình ảnh những cụ già, em nhỏ cùng góp gạo, góp tiền chống dịch. Đó thực sự là điều vô cùng đáng quý.
“Đó là tinh thần yêu nước, là niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, là sự ủng hộ với hệ thống chính trị. Đó cũng là tinh thần Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Không phải dân tộc nào cũng có được những tấm lòng chia sẻ như thế”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, khác với nhiều nước, Việt Nam thực hiện cách ly tập trung, sử dụng doanh trại quân đội, công an, trường học, trường quân sự của tỉnh, quân khu… làm nơi cách ly giúp ngăn dịch từ trong và khoá dịch lan ra ngoài.
Thứ ba, Việt Nam quán triệt tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ" để phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, khoanh vùng dập dịch hiệu quả.
Theo Thủ tướng, trong suốt quá trình chống dịch, Việt Nam luôn “phòng bị” cao hơn so với khuyến cáo của WHO từ việc cách ly xã hội đến đeo khẩu trang.
Kết quả, số người mắc Covid-19 trên tổng số dân của nước ta thuộc tốp thấp nhất thế giới, chi phí chống dịch cũng thấp nhất và đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.
Thủ tướng dẫn chứng, như trường hợp bệnh nhân 19 từng nguy kịch, ngừng tim 3 lần vẫn được cứu sống hay hay bệnh nhân 91, từng đông đặc phổi tưởng khó qua khỏi nhưng đến nay đang hồi phục diệu kỳ, cả nước Anh cũng đang hồi hộp theo dõi.
“Đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước bắt đầu đến tiến trình bình thường mới sau đại dịch sớm nhất thế giới. Đó là niềm tự hào của chúng ta khi hai tháng qua, không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”, Thủ tướng đánh giá.
Theo Thủ tướng, để có được thành quả như hiện nay, ngành Tuyên giáo và Thông tin - Truyền thông đã làm rất tốt, đóng vai trò quan trọng vào công cuộc phòng chống dịch.
Trong đó, thông tin kịp thời, minh bạch diễn biến dịch, kỷ luật thông tin tốt, đảm bảo không đưa quá nóng thành hoảng loạn, không đưa quá thấp thành chủ quan và xử lý nghiêm các sai phạm, tin đồn gây hoang mang dư luận.
Đây cũng là lần đầu tiên thành lập riêng một tiểu ban truyền thông trong Ban chỉ đạo quốc gia.
“Nếu không có báo chí, không có truyền thông, người dân từ nông thôn, vùng cao đến biên giới, từ trong nước đến nước ngoài sẽ không thể cùng đồng thuận, không thể nâng cao được nhận thức để cùng chiến thắng dịch bệnh”, Thủ tướng nhìn nhận.
Để dịch quay lại là có lỗi với nhân dân
Dẫn phân tích của các chuyên gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch Covid-19 sắp tới có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn nhiều tiềm ẩn khó lường nên chúng ta không được chủ quan.
Thủ tướng dẫn chứng, những ngày qua Bắc Kinh ghi nhận 42 ca nhiễm trong một ngày, có ca không tìm được nguồn lây, toàn bộ khu chợ hải sản đã bị khoanh lại như Vũ Hán từng làm. Do đó, nhiệm vụ sắp tới của ngành y tế các địa phương rất nặng nề.
“ Chúng ta vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa chống dịch nhưng không được chủ quan, nếu chủ quan sẽ phải trả giá”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế nhận định, nếu dịch Covid-19 quay lại vào mùa thu, thế giới sẽ tiêu điều, tăng trưởng sụt giảm mạnh. Với Việt Nam, nếu chọn mở cửa, sẽ kiểm soát thế nào?
“Không phải vì 20 triệu khách du lịch trong năm nay mà chúng ta tiếc rồi mở cửa. Cần phải có khởi động để không lây nhiễm dịch trong cộng đồng”, Thủ tướng nói.
Trước mắt, có khoảng 30.000 người Việt ở nước ngoài chờ về nước. Theo Thủ tướng, không thể không đón bà con về được, đây là văn hoá, là trách nhiệm.
“Chúng ta không thể vô trách nhiệm với đồng bào ở nước ngoài. Tin nhắn đến chúng tôi thường xuyên nên phải giải quyết nguyện vọng này nhưng phải có tiêu chí, ưu tiên trẻ em, người già, người đi du lịch bị mắc kẹt, đi chữa bệnh, đi học về để đi làm…”, Thủ tướng phân tích.
Về định hướng phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng Việt Nam đã thành công bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép. Trong khi thể giới đổ gãy kinh tế, phát triển âm, thậm chí có nước âm 6-7% trong quý 1 thì Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng 3,8%. Dù đây là con số thấp nhất 10 năm qua nhưng là mức cao nhất trong khu vực và thế giới.
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này của chính phủ và các địa phương là tập trung tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa, không được phép đổ lỗi cho khách quan để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, không thể để nhân dân bần hàn, thiếu ăn.
Hiện tại đã có 16 địa phương cam kết đảm bảo tăng trưởng, đảm bảo ngân sách Nhà nước.
Báo chí phải lan toả năng lượng tích cực
Trong hoạt động “bình thường mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan báo chí cần truyền thông tốt hơn nữa việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Báo chí cần phải lan toả năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng các gương người tốt, việc tốt, công ty tốt, doanh nghiệp tốt, cách làm ăn hiệu quả giúp kinh tế bật dậy sau đại dịch.
Song song đó, truyền thông cần góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đóng góp vào nỗ lực giải quyết các vướng mắc, đề xuất kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.
Theo Thủ tướng, môi trường đầu tư quyết định sự phát triển, nếu không cải cách, không áp dụng công nghệ, không đổi mới sáng tạo… sẽ không ai tới làm việc với mình.
Trong thời gian tới, truyền thông cũng làm đậm chủ trương phát triển thị trường 100 triệu dân trong nước, thúc đẩy tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn. Vừa qua, du lịch nội địa đã khởi động rất tốt, là điều kiện để nền kinh tế tiếp tục phát triển ở mức đảm bảo cần thiết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đặc biệt lưu ý, truyền thông phải chủ động thông tin đối ngoại về những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam, điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, năng động, giàu tiềm năng, môi trường đầu tư tốt trong mắt nhà đầu tư, bạn bè quốc tế và thấy một Việt Nam phấn đấu hùng cường trong tương lai.
Nhấn mạnh sự kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 là sự kiện quan trọng của đất nước, Thủ tướng yêu cầu báo chí cần tích cực tham gia, đăng tải thông tin về sự kiện này.
Theo Thủ tướng, dù trong giai đoạn nào, tinh thần của báo chí luôn là “phò chính, diệt tà”.
Sắp tới, báo chí sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng vững. Thủ tướng cho biết đã có thảo luận, thống nhất cần có cơ chế tài chính hỗ trợ cho báo chí sau quy hoạch. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cùng nghiên cứu cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, sẽ tiếp thu những góp ý của Thủ tướng để công tác thông tin, truyền thông thời gian tới hiệu quả hơn.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng
Trưởng ban Tuyên giáo nhận định, vừa qua, báo chí đã rất chủ động, truyền thông tới mọi người dân, mọi điạ điểm, mọi không gian với nhiều hình ảnh, tin bài cảm động, lan toả, lay động lòng người, mang lại hiệu quả rất cao.
Theo thống kê, chỉ tính riêng giai đoạn từ 9/1-15/3, mỗi ngày có 127 bài báo về công tác chống dịch Covid-19 trên 13 tờ báo. Đó là điều chưa từng có, khiến tin giả không còn đất sống.
Nhờ tuyên truyền tốt, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, môi trường Việt Nam an toàn, thân thiện, làm tốt công tác chống dịch đã lan toả khắp thế giới trong suốt 3 tháng qua. Đây là thành công rất lớn.
“Thực tiễn tốt, tuyên truyền sẽ tốt, tuyên truyền tốt sẽ thúc đẩy thực tiễn tốt hơn. Do đó thời gian tới, báo chí sẽ tiếp tục truyên truyền để người dân vượt qua khó khăn, thách thức, đất nước tận dụng tốt cơ hội phát triển kinh tế, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ”, Trưởng ban Tuyên giáo kết luận.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã quyết định thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tích cực tham gia chống dịch Covid-19.
Thúy Hạnh/Vietnamnet