Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng dự hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: NHẬT BẮC |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Với sự đặc biệt quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, thời gian qua các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành CNVH đã thúc đẩy thị trường CNVH có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số ngành khác thì các ngành CNVH nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC |
Thủ tướng nêu rõ, để CNVH nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành CNVH Việt Nam “Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Cạnh tranh”, trên nền tảng văn hóa “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tham gia Hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC |
Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các địa phương trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính:
Thứ nhất: Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và CNVH thời gian qua (cố gắng nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của CNVH Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển CNVH?
Thứ hai: Đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó:
- Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? (về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…).
Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư.
- Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực CNVH như thế nào?
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNVH cả về số lượng và chất lượng?
- Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển CNVH cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ VHTTDL ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau Hội nghị.
Thời gian của Hội nghị không nhiều, trong khi đây là một lĩnh vực mới, nhạy cảm, có độ bao phủ rộng, tác động lớn, nếu làm được thì rất hiệu quả. Nhận định sau 2 năm triển khai Hội nghị văn hóa toàn quốc, tư duy, nhận thức, hành động với văn hóa đã khác hẳn, tạo ra nguồn lực mới cho phát triển đất nước, đặc biệt nhiều địa phương rất chủ động, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề.
Nguồn QĐND