Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; lãnh đạo các hiệp hội sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau đợt thanh tra lần thứ 4 của EC (tháng 10/2023), những nội dung EC chỉ ra và yêu cầu đã được tập trung khắc phục, trong đó đã trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW (ngày 10/4/2024), Chính phủ có Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và kế hoạch triển khai Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.
Sau gần một năm từ đợt thanh tra lần thứ 4 của EC và 7 năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) cùng với 4 đợt thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra EC, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả được EC ghi nhận, nhiều nội dung EC chỉ ra và yêu cầu đã được khắc phục.
Tuy nhiên, tới nay nhiều công việc đã được phía EC chỉ ra tại đợt thanh tra lần thứ 4 (tháng 10/2023) hiện đã bị chậm, chưa được hoàn thành theo yêu cầu, như: Công tác quản lý đội tàu, thực thi pháp luật, tình trạng tự ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đặc biệt, tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn. Đây là những vi phạm kéo dài, vướng mắc tại các địa phương.
Với quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” tại đợt thanh tra lần thứ 5 của Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 10/2024, Thủ tướng yêu cầu, các đại biểu đánh giá, thảo luận xem đến thời điểm hiện nay kết quả khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC như thế nào, nội dung nào đạt, nội dung nào chưa đạt và vì sao? Nguyên nhân không đạt, nhất là các vi phạm tái diễn nhiều lần và kéo dài là do đâu, do tổ chức thực hiện, do khâu nào, chủ thể nào, ở cấp nào? Cách khắc phục trong thời gian tới.
Kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan. Trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc chậm chễ, không hoàn thành các nội dung EC yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, từ nay đến hết tháng 10/2024 là gì?
Thủ tướng cũng đề nghị Hội nghị làm rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém hiện nay và có giải pháp tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm đã được Đoàn Thanh tra EC chỉ ra; đảm bảo đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 5 đạt kết quả tốt nhất.