Sáng 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản. Sau hai năm bị chia cắt bởi Covid-19, đây là hội nghị kết nối đầu tư đầu tiên của hai nước. Còn với nhiều doanh nghiệp Việt - Nhật đã làm ăn lâu cùng nhau, đây cũng là lần đầu họ được gặp lại nhau.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cảm nhận được sự chân thành và tin tưởng của nhà đầu tư Nhật với Việt Nam. Ngoài việc cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, lần này, ông dành nhiều thời gian hơn để nói về việc sẽ đảm bảo sự ổn định chính trị và an ninh con người cho nhà đầu tư Nhật khi kinh doanh.
Theo ông, ổn định chính trị là điều hết sức quan trọng với mọi nhà đầu tư để có thể phát triển các ý tưởng kinh doanh và gắn bó lâu dài. Ông nhắc lại những điểm nhấn của tuyên bố chung hôm qua đã đạt được sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ông đánh giá hoạt động đầu tư đang diễn ra trong bối cảnh quan hệ, bầu không khí chính trị của hai nước "tốt đẹp nhất".
Chia sẻ với các nhà đầu tư Nhật, ông đề cập một trong những điểm mới của Nghị quyết Đại hội Đảng 13 của Việt Nam là phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là trung tâm vừa là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển.
Ông tin mọi nhà đầu tư đều muốn làm ăn ở một nước có những con người đáp ứng được chiến lược lâu dài. Người Việt Nam, theo ông, có những ưu điểm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư như cần cù, cầu thị, thông minh linh hoạt trong các điều kiện, đặc biệt là khó khăn.
"Dân tộc chúng tôi càng khó khăn càng đoàn kết, càng tìm cách vượt qua nó. Mỗi lần khó khăn đều trưởng thành và khẳng định giá trị con người Việt Nam", ông nói.
Điểm mới nữa ông muốn chia sẻ với nhà đầu tư là việc đã đưa vấn đề bảo vệ an ninh con người vào chủ trương của VIệt Nam. Việc này cũng đang được thể chế hoá để đưa vào thực tế. "Các bạn đến đầu tư, được bảo vệ quyền con người, an ninh. Có cơ hội thực hiện ý tưởng kinh doanh hay không còn vào sự an toàn", ông nói.
Không chỉ nói về những cơ hội Việt Nam mang tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập những khó khăn của một đất nước đang phát triển và ông kêu gọi sự chia sẻ của các nước phát triển như Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam khắc phục.
Ông mong doanh nghiệp khi đến đầu tư ở Việt Nam còn góp phần đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cao và đổi mới sáng tạo hay các vấn đề về quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia. Ông cũng kỳ vọng tận dụng được các nguồn tài chính, đặc biệt là tài chính xanh để phát triển kinh tế bền vững.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục cải thiện hành chính, chống tham nhũng, sách nhiễu để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
"Một lần nữa tôi kêu gọi sự chung tay vượt qua khó khăn trước mắt để hướng tới chiến lược lâu dài, đặc biệt là những chiến lược mà hai bên cùng muốn phát triển. Nhật Bản có những thế mạnh, chúng tôi có cơ hội, hai cái này chúng ta gặp nhau", ông nói.
Hôm 23/11, Thủ tướng cũng đã tới tỉnh Tochigi – tỉnh cách Tokyo khoảng 100 km, có cộng đồng người Việt lớn nhất ở Nhật và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ ba (chỉ sau Tokyo và Aichi).
Nói chuyện với các nhà đầu tư ở đây, ông nhắc tới một so sánh toán học, giữa khó khăn và thuận lợi trong đầu tư vào Việt Nam và khẳng định đó là mối quan hệ với kết quả "Delta dương", tức thuận lợi nhiều hơn khó khăn. "Như vậy đồ thị đi lên, các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam dù khó khăn nhưng vẫn phát triển, làm ăn hiệu quả", ông ví von.
Tại hội nghị xúc tiến hôm nay 25/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chứng kiến hàng loạt thoả thuận hợp tác đầu tư, thương mại giữa doanh nghiệp Nhật Bản và các đối tác Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang thăm Nhật Bản, từ ngày 22/11 đến ngày 25/11. Ông là lãnh đạo đầu tiên tới thăm chính thức Nhật Bản kể từ khi ông Kishida Fumio nhậm chức hồi đầu tháng 10.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam năm 2011.
Nhật là nước tài trợ ODA lớn nhất (khoảng 38 tỷ USD – bằng một phần ba ODA họ dành cho các nước). Đây cũng là nhà đầu tư số hai của Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ tư với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 40 tỷ USD.
Nguồn VnExpress