Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, sinh tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lúc đương chức cũng như đã nghỉ hưu, ông thường về Vĩnh Long gặp gỡ các cấp lãnh đạo và người dân địa phương và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây. Ngày 23/11 năm nay, tròn 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Với tính cách nổi bật là sâu sát thực tế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới, ông Võ Văn Kiệt đã tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc đổi mới của đất nước. Ông đã có nhiều đóng góp về lý luận và thực tiễn để xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới đất nước.
Nói đến nhân cách ông Võ Văn Kiệt là nói đến một con người luôn hết lòng vì dân, vì nước. Trước những dự định, kế hoạch, kiến nghị góp ý cho Đảng, ông đều trăn trở, suy nghĩ chín chắn cả trước mắt và lâu dài, trong mối liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ông Trương Văn Sáu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, từ những phẩm chất đó, ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo rất sát với thực tế và mang lại hiệu quả cao.
"Từ lúc ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng cũng như khi nghỉ hưu, ông thường về thăm quê hương, ông trăn trở về tình hình kinh tế và đời sống của nhân dân. Nên lúc nào ông về cũng nhắc nhở vấn đề phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, đường điện, trường học. Cố gắng phát triển các mô hình kinh tế hay ở trong nông nghiệp cũng như trong công thương nghiệp, kể cả lĩnh vực văn hóa xã hội" - ông Trương Văn Sáu kể lại.
Ông Nguyễn Văn Lượng, nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long là một trong những người có dịp được gặp ông Võ Văn Kiệt nhiều nhất của tỉnh Vĩnh Long. Lúc nghỉ hưu, mỗi khi ông Võ Văn Kiệt đến Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Lượng là người đi đón đầu tiên và theo sát cho đến khi ông ra về. Nên ông không thể nhớ hết số lần gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mỗi lần gặp như vậy đã để lại cho ông nhiều bài học gần dân và sát dân.
"Có lần tôi đi với ông về quê, để ông thực hiện ý nguyện quy tập mộ ông bà về một khu. Khi đó tôi hỏi ông: "Sao chú không làm lại cho khang trang, cao ráo". Ông trả lời: Ở đây bà con, dòng họ người ta sao thì mình vậy, mình làm khác người ta sao được, coi sao được. Tôi suy nghĩ rằng đó là một ý hết sức sâu sắc với cội nguồn. Tức là dân sao thì ông vậy, ông không làm khác" - ông Nguyễn Văn Lượng kể lại.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, trước khi làm Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ông làm báo và viết rất nhiều bài về Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Sau khi về làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, ông chuyển sang viết sách về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Gần đây nhất, ông vừa viết xong sách có tựa đề “Chất Ngọc Võ Văn Kiệt” hiện đang in để kịp ra mắt bạn đọc trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sắp tới. Theo tác giả, sách “Chất Ngọc Võ Văn Kiệt” ra mắt bạn đọc trong dịp này sẽ phản ánh chi tiết hơn cuộc đời và sự nghiệp cũng như phẩm chất và đạo đức của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người con Nam Bộ gần gũi với dân.
Theo nhiều người từng là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi nhiều, đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, luôn đặt câu hỏi tại sao và tìm cách lý giải nó. Ông luôn biết lắng nghe và thấu hiểu, là một trong số ít các nhà lãnh đạo quy tụ được rất nhiều trí thức và trở thành người bạn chân thành của họ, kể cả với những người có quan điểm đối lập. Ông đến với trí thức bằng sự chân thành và tinh thần thật sự cầu thị, cởi mở và chính họ cũng đã đưa ra những gợi ý, những luận điểm khoa học xác đáng giúp ông có những quyết định đúng đắn.
Ông Nguyễn Văn Duyên (nông dân ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm), từng công tác tại Ban Nhân dân ấp, nhiều lần được gặp Thủ tướng cho biết, mỗi lần gặp, ông Võ Văn Kiệt thường hỏi thăm về đời sống kinh tế của người dân, tìm hiểu về tâm tư nguyện vọng của nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng còn nói, thế hệ cha anh đã đấu tranh giành độc lập, các cháu phải xây dựng đất nước. Muốn xây dựng đất nước bền vững thì phải phát triển kinh tế. Ông còn hướng dẫn, rơm ngoài ruộng bỏ đốt sẽ phí, bây giờ tận dụng làm nấm rơm bán lấy tiền để phát triển kinh tế. Vụ hè thu, thu đông tận dụng làm nấm rơm. Qua mùa đông xuân lấy rơm để nuôi bò.
Với tầm tư duy chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, gần dân, quyết đoán, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có đóng góp lớn vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Nhắc tới ông - đồng chí, đồng đội, người dân đều nhớ tới một nhân cách cao thượng của một con người luôn sống và cống hiến cho nhân dân, cho đất nước, mãi mãi là tấm gương cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập./.
Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL