Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cùng lãnh đạo các ban bộ ngành Trung ương và địa phương.
Chủ động ứng phó lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru) rất mạnh dự kiến sắp đổ bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo nóng về phòng, chống lụt bão. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, nhất là các tỉnh miền Trung tập trung ưu tiên cao nhất cho công tác này.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; theo dõi sát diễn biến của bão số 4, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương; phải rà soát kỹ nhiều công việc, đó là phải kêu gọi ngư dân đánh cá về bờ tránh bão, không cho tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản; kiểm tra kỹ, bảo đảm an toàn các hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện, lồng bè thuỷ hải sản, có phương án bảo vệ, gia cố, khắc phục, tránh mọi sự cố đáng tiếc.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải chú ý đề phòng sạt lở đất thường xảy ra bất ngờ khi mưa lớn. Người dân vẫn có tâm lý chủ quan, lúc bão to, mưa lớn mà mới sơ tán thì khó ứng cứu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan phải tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bão, di dời người dân khỏi các khu vực nguy hiểm; có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thủ tướng khẳng định, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, do đó các cấp, các ngành, các địa phương phải có trách nhiệm tích cực phòng, chống thiên tai, lụt bão.
Phải thấy rõ trách nhiệm để thúc đẩy giải ngân
Về việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng về cả kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng kết cấu hạ tầng KTXH của quốc gia, dẫn dắt đầu tư, từ đó tạo động lực rất lớn cho sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KTXH năm 2022 đã đề ra.
Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Tại sao hôm nay Chính phủ lại phải tổ chức tiếp Hội nghị trực tuyến để đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia? Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân trong đó nhấn mạnh, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7% thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển KTXH và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thấy rõ trách nhiệm của mình bởi có nguồn lực mà không triển khai được thì nguyên nhân tại sao, vướng mắc ở đâu để quyết tâm, nỗ lực và có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm đưa các công trình vào hoạt động sớm, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng khẳng định, hội nghị này không chỉ là nhận diện, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, các đại biểu thảo luận đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc; Chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo, giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo chỉ đạo, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm; Quán triệt, đề cao trách nhiệm người đứng đầu để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo cụ thể, chi tiết tình hình giải ngân; cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và chưa tốt; nguyên nhân giải ngân chậm là do đâu? Nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì? Nguyên nhân thuộc về thể chế, pháp luật hay công tác điều hành, tổ chức thực hiện? Các giải pháp khắc phục thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo các địa phương báo cáo tham luận ngắn gọn, cô đọng nêu rõ thực trạng tình hình giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; kinh nghiệm hay và những khó khăn, vướng mắc là gì? Giải ngân thấp nguyên nhân do đâu?/.
Vũ Khuyên/VOV