Ngôi nhà phòng tránh bão, lũ của chị Hồ Thị Bồng ở thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước còn in dấu mực nước cao chừng một mét trong đợt lũ lớn, kéo dài vừa qua. Gia đình chị Bồng có 4 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo của huyện.
Chị Bồng tâm sự, chồng khiếm thị, hai con còn ăn học, đứa nhỏ mới lớp 8, mọi chi phí sinh hoạt, nuôi con ăn học đều do một mình chị lo toan, xoay trở. Điều kiện để xây một ngôi nhà kiên cố, phòng tránh bão, lũ là điều nằm ngoài ước mơ của gia đình. Cứ đến mùa bão, lũ, vợ chồng chị và các con lại âu lo, phải nhờ đến bà con lối xóm, chính quyền địa phương sơ tán.
Đầu năm 2020, gia đình chị Bồng được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quảng Điền vận động, cho vay 15 triệu đồng theo Quyết định 48, cộng với kinh phí hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo của huyện và dành dụm đã xây dựng căn nhà đảm bảo an toàn, đủ điều kiện phòng tránh bão, lũ.
Các đợt bão, lũ lớn vừa qua, gia đình chị Bồng không còn phải sơ tán. Các vật dụng, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, áo quần, sách vở… đều đưa lên căn gác cao, không bị ẩm ướt, hư hỏng. Mọi sinh hoạt của gia đình trong suốt những ngày mưa lũ đều ổn định, khô ráo và đảm bảo an toàn.
“Trước đây, gia đình tui thường phải sơ tán đến nhà người thân, xóm làng, công trình kiên cố phòng tránh bão, lũ. Bây giờ, trong các trận bão, lũ vừa qua, gia đình tui không chỉ có ngôi nhà kiên cố, trú tránh an toàn mà còn có thể giúp nhiều hộ khác đến trú tránh mỗi khi dự báo bão, lũ lớn tràn về”, chị Bồng nói.
Mô hình nhà phòng tránh bão, lũ ở xã Quảng Thành , huyện Quảng Điền. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền chia sẻ, là một trong những địa phương thuộc vùng thấp trũng của tỉnh, huyện Quảng Điền thường gánh chịu hậu quả nặng nề trong các trận lũ lớn. Các hộ nghèo chưa có nhà kiên cố đều có nguy cơ mất an toàn tính mạng, tài sản do bão, lũ. Cứ mỗi lần sơ tán, di dời rất bất tiện, cuộc sống của người dân xáo trộn, bất an.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền cho biết, quá trình triển khai, Ngân hàng CSXH huyện Quảng Điền chủ động phối hợp với các ban ngành, chính quyền địa phương, khuyến khích các hộ nghèo vay vốn xây nhà. Sau 6 năm triển khai Quyết định 48, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho 410 hộ vay xây nhà với số tiền 6,150 tỷ đồng.
Ông Vinh kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu kéo dài chương trình này và nâng mức cho vay, mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; đồng thời xem xét việc mở rộng đối tượng hộ cận nghèo có thể vay vốn để nâng cấp, xây nhà phòng tránh bão, lũ.
Ngoài nguồn vay từ ngân hàng, chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể cần tăng cường vận động cộng đồng chung tay hỗ trợ giúp người nghèo có thêm kinh phí xây nhà; tạo thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững, không bị tổn thương trước thiên tai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không chỉ người nghèo mà tất cả các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ, ý thức được sự cấp thiết phải xây dựng nhà phòng tránh bão, lũ đảm bảo ổn định cuộc sống, an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu bất thường.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lũ đang phát huy hiệu quả rất cao. Thực tế trong các đợt bão, lũ lớn vừa qua, các ngôi nhà giúp dân có chỗ ở, trú tránh an toàn, ổn định. Những ngôi nhà phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan các vùng ven biển, ven đầm phá. Đây là mô hình cần nhân rộng trong thời gian tới./.
Theo Báo Thừa Thiên Huế