Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, nhận thức, năng lực quản trị của cả chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân đã thay đổi để phát huy vai trò, trách nhiệm; nông nghiệp Việt Nam thời kỳ mới là chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp… Đó cũng là định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp.
Khá giả nhờ nuôi tôm
Ông Võ Văn Lưỡng (56 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã tôm - lúa Yên Lợi (xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), kể: “Khoảng 10 năm trước, nông dân xứ ven biển phải đợi những cơn mưa đầu mùa trút xuống mới ra đồng sạ lúa. Rồi hồi hộp chờ những đợt mưa rào tiếp theo để hạt lúa nảy mầm, hồi hộp chờ để thấy màu xanh mạ non phủ dần từng mảng đất đai. Chẳng may năm nào nước mặn (thường vượt ngưỡng 2,5‰) xâm nhập nhiều quá thì mạ chết, phải sạ lại 2-3 lượt. Nhà nào nghèo, quá nản thì bỏ ruộng đi làm mướn, chờ mùa đông xuân nước ngọt mới trở về để sạ lúa”.
Không chỉ những cánh đồng ven biển ở An Biên chịu cảnh bấp bênh, rủi ro đó, mà từ miệt Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), Vĩnh Điều, Phú Lợi, Phú Mỹ (huyện Giang Thành) chạy dài xuống huyện An Minh, Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đều chung cảnh “ngọt nhờ - mặn chịu”.
Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, tâm sự, con tôm được một số bà con từ tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau qua “xe duyên” với đất lung phèn Vĩnh Thuận hơn 15 năm trước. Những cánh đồng mọc đầy lau sậy, cỏ năn được xẻ kênh, đào ao thả tôm. Trầy trật 5-6 năm trời mới dần dần ổn định, có người không trụ được đã rời quê ra đi. Người ở lại thì nhờ bền lòng, kiên tâm bám trụ, rồi con tôm trở thành mũi nhọn kinh tế bên cạnh cây lúa. Bà con vùng U Minh Thượng hay nói vui “con tôm ôm cây lúa” là vậy.
Chúng tôi trở lại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt hạn mặn xâm nhập năm 2016 và 2020. Ông Phan Văn Quẹo (huyện Bình Đại) chia sẻ: “Giờ đã khác, nước càng mặn, nuôi tôm càng khoái; sợ nước không mặn, không nuôi được. Hiện giờ nuôi theo công nghệ cao thì nước càng mặn, chi phí càng rẻ”.
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, giảng viên chính Khoa Môi trường và Tài nguyên (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ): Trong những năm gần đây, thông qua tập huấn kỹ thuật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thì các dự án phi công trình đã cải thiện, lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu. Các dự án phân bố rộng phù hợp với yếu tố sinh thái vùng và sinh kế của người dân liên quan đến nông lâm ngư nghiệp ven biển gắn với sinh thái rừng ngập mặn; nuôi trồng thủy sản nước ngọt, canh tác lúa; các nghề tiểu thủ công nghiệp khác gắn với hệ sinh thái nước ngọt. Bước đầu các phương án công trình tập trung chính vào bảo vệ sinh kế như công trình trữ nước ngọt ở các vùng trũng, bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhà ở khỏi tình trạng ngập lụt…
Đáng chú ý là người dân đã chuyển dần kiểu canh tác độc canh lúa từ 2-3 vụ sang sản xuất đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn nhưng vẫn duy trì ít nhất 1 vụ lúa căn bản vào mùa mưa.
Chuyển đổi mô hình
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, thực hiện quyết định của Bộ NN-PTNT, địa phương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 5.119ha đất lúa; trong đó chuyển sang cây trồng hàng năm 1.431ha, cây lâu năm 804ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 2.080ha. Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh có 11/12 huyện, thành phố thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Với diện tích chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, nông dân từ trồng 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, trồng rau màu, tận dụng mặt nước biển nuôi các loại nhuyễn thể như sò huyết, vẹm xanh… giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, cải tạo đất, nâng cao năng suất, hạn chế dịch hại trên cây trồng, phù hợp đặc điểm sinh thái từng tiểu vùng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, hầu hết diện tích sau khi chuyển đổi bình quân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2,5-4 lần so với trước khi chuyển đổi, lợi nhuận tăng thêm từ các mô hình mà nông dân chuyển đổi từ 15-25 triệu đồng/ha đối với mô hình luân canh; từ 35-45 triệu đồng/ha đối với mô hình chuyên canh. Đối với chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đã giúp tăng thêm lợi nhuận 55-65 triệu đồng/ha cho nông dân. Đối với chuyển đổi từ chuyên trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có điều kiện phù hợp, đã giúp tăng lợi nhuận bình quân hơn 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình kết hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững đang được định hướng mở rộng cho các huyện vùng U Minh Thượng và khu vực ven biển vùng Tứ giác Long Xuyên.
Từ khi thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, nông dân ở nhiều địa phương tăng thu nhập thấy rõ. Ông Nguyễn Hoàng Phi (62 tuổi, ngụ thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) vừa thu hoạch hơn 1,2 tấn tôm càng xanh từ cánh đồng 5ha, lãi gần 130 triệu đồng. Ngoài vụ nuôi tôm càng xanh này, ông Phi còn có nguồn thu từ tôm sú, tôm thẻ, cua và cá đồng, giúp ông có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Ông Phi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm trước đây sang 1 vụ tôm - 1 vụ lúa kết hợp nuôi cua. “Nhờ chuyển đổi sang nuôi tôm, cua nên tôi có tiền nuôi 3 con ăn học thành đạt. Cả ấp, cả xã này ai cũng thoát nghèo vươn lên khá, giàu nhờ chuyển đổi, thích ứng với điều kiện mới”, ông Phi tâm sự.
Tại vùng Bắc Cà Mau (huyện Thới Bình, U Minh, một phần huyện Trần Văn Thời) nằm xa cửa biển nên mùa mưa thì nước ngọt, còn mùa nắng thì nước bị nhiễm mặn. Theo đó, mùa khô thì người dân nuôi tôm, mùa mưa tranh thủ rửa phèn để làm một vụ lúa; đồng thời thả xen canh tôm càng, tôm sú, cá…
Ông Võ Hoàng Linh (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi vẫn duy trì mô hình sản xuất lúa - tôm. Khi sản xuất theo mô hình này, chúng tôi không bao giờ sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, cho nên chi phí thấp, ít bị dịch bệnh. Thêm nữa, con tôm và cây lúa cũng bổ trợ lẫn nhau: khi thu hoạch, gốc rạ lúa phân hủy làm nguồn thức ăn cho con tôm; khi làm lúa, rễ hấp thụ và làm sạch môi trường trong đất cho tôm”.
Tương tự, tại vùng phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu (gồm huyện Hồng Dân, huyện Phước Long và thị xã Giá Rai) thì hơn phân nửa diện tích nuôi trồng thủy sản (khoảng 70.200ha) người dân sản xuất theo mô hình luân canh lúa - tôm.
“Trong bối cảnh hiện nay, phải uyển chuyển thích ứng với biến đổi khí hậu. Gặp môi trường nước mặn thì chúng ta nuôi tôm, cá, trồng cây gì đó cho phù hợp”, ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn, ngụ TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), được mệnh danh là “vua tôm” của ĐBSCL bày tỏ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Thới Bình (địa phương có diện tích sản xuất lúa - tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau), hiệu quả mô hình sản xuất lúa - tôm trên địa bàn tăng dần qua từng năm.
Cụ thể, năng suất lúa bình quân tăng từ 3,8 tấn/ha (năm 2013) lên 4,8 tấn/ha (năm 2021). Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đã đạt 320kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây. Qua thống kê, thu nhập bình quân của mô hình sản xuất lúa - tôm sú đạt hơn 65 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mô hình chuyên lúa từ 2-3 lần.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình lúa - tôm khá cao so với độc canh cây lúa. Vì vậy, tốc độ tăng diện tích sản xuất lúa - tôm khá nhanh, từ 5.850ha sản xuất ban đầu (năm 2001) đã tăng lên 39.500ha vào năm 2021 (tăng gấp gần 6,8 lần sau 20 năm), hiện tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40-60 triệu đồng/ha/năm.
Nguồn SGGP