Trên thực tế, việc chủ động tuyên truyền, triển khai các bước, giai đoạn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, cũng như khởi nghiệp thông qua sáng tạo đang được thực hiện.
Việc tiếp cận, thực hiện đổi mới sáng tạo đã trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới và cũng là sự lựa chọn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động này cần được bổ sung bằng những cơ chế, chính sách phù hợp, xác định doanh nghiệp là đối tượng hướng tới để rút ngắn thời gian hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế; tối đa hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tiến thẳng lên thịnh vượng.
Theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy, đơn vị sẽ thúc đẩy hợp tác với các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Mục đích là tham vấn và trang bị những thông tin, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ - một trong những trụ cột nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chỉ khi doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo mới có thể bắt kịp với xu thế thời đại.
Sự dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế sáng tạo, kinh tế số đang mang lại những chuyển biến tích cực trên mọi phương diện; đặc biệt là khởi nghiệp ngành kỹ thuật và công nghệ từ tư duy đổi mới sáng tạo. Đại diện một số tổ chức, trường đại học học nhấn mạnh, cần tạo các sự kiện, diễn đàn cho sinh viên ngành kỹ thuật và công nghệ có thêm điều kiện hợp tác, những góc nhìn tổng thể về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong xu thế mới.
Trong một động thái mới nhất, NIC vừa phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp quân đội (AME) tổ chức hội thảo về đổi mới sáng tạo trong quản lý sản xuất, coi đó là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai một số hoạt động thuộc Sáng kiến đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Điều này cũng rất phù hợp khi xét trong bối cảnh Việt Nam đang được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như có nhiều lợi thế để đón dòng vốn dịch chuyển từ các tập đoàn đa quốc gia. Qua đó có thể tăng tốc thực hiện chuyển giao công nghệ, đón bắt xu thế và bí quyết công nghệ mới, hiện đại để nhanh chóng làm chủ và phát huy vai trò của công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Làm như vậy cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp đều nên theo đuổi tư duy mở, chủ động tìm kiếm đối tác quốc tế để tham vấn và học hỏi bài học kinh nghiệm phù hợp. Riêng các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mà có ý tưởng khả thi nên nắm bắt cơ hội tiếp cận, thuyết trình và kêu gọi vốn đầu tư từ những tổ chức hỗ trợ dự án đầu tư mạo hiểm hoặc tìm vốn vay ưu đãi từ tổ chức đỡ đầu quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia. Do đó, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các cơ hội để đưa Việt Nam trở thành một trong những công xưởng sản xuất mới của thế giới.
Theo Hanoimoi.com.vn