Năm 2024 được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số lựa chọn chủ đề là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra như thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải; khoảng 40% người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu; 100% hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ.
Tại tỉnh Bình Định, công tác chuyển đổi số được các cấp quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, xác định chuyển đổi số là cơ hội để phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến 2025 “Phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP”, “Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”.
Hiện nay, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, công tác chuyển đổi số của Bình Định đã có chuyển biến tích cực: Công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh hiện có 186 doanh nghiệp.
Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 2 tập đoàn lớn về công nghệ thông tin đang hoạt động là TMA và FPT với trên 1.000 nhân sự…
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định tận dụng vai trò của dữ liệu, phân tích dữ liệu để phục vụ các hoạt động kinh tế: "Trên địa bàn chúng tôi cũng rất quan tâm và khuyến cáo các doanh nghiệp hoạt động thì cần quan tâm tận dụng vai trò của dữ liệu. Chúng tôi tập trung cho công tác truyền thông, thử 2 là hỗ trợ chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiệm vụ thứ 3 là tiếp tục hoàn thiện hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng cổng dữ liệu mở cung cấp các dữ liệu mở để phục vụ việc phân tích hoạch định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp".
Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ nhiều mô hình hay về chuyển đổi số, bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số; các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực; vai trò của dữ liệu cơ sở các ngành kinh tế cũng như các giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp.
Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng số nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Để phát triển nhanh thì nên lựa chọn phát triển kinh tế số, vì kinh tế số dựa trên công nghệ số, công nghệ số giúp giải quyết bài toán toàn dân tham gia toàn diện vào phát triển kinh tế số trên các nền tảng số. Kinh tế số tạo ra không gian phát triển và tăng trưởng hoàn toàn mới, có dư địa lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh. Kinh tế số tăng trưởng nhanh sẽ giúp tăng nhanh quy mô của nền kinh tế.
Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để giải quyết bài toán liên kết vùng lỏng lẻo cũng nên chọn kinh tế số vì thực hiện liên kết trên không gian mạng, liên kết chia sẻ dữ liệu vốn là những tài nguyên vô hình sẽ nhanh hơn, ít tốn kém hơn so với xây dựng các liên kết vật lý như cầu đường, sân bay.
“Bên cạnh những giải pháp thúc đẩy kinh tế số nói chung, các Vùng cũng nên nghiên cứu, xem xét áp dụng các giải pháp để thúc đẩy liên kết Vùng và qua đó thúc đẩy kinh tế số của cả Vùng. Các địa phương cần phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ để phát triển, sử dụng các Nền tảng số quốc gia về nông nghiệp, du lịch...Chúng sẽ đóng vai trò là “cầu nối số” tới các vùng kinh tế - xã hội khác trong cả nước, trao đổi xuyên không gian các dịch vụ số và thông tin, dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, giữ chân người dân tại địa phương, tạo động lực mới cho phát triển” - Thứ trưởng Phan Tâm nói.