Khai thác hiệu quả nguồn lực
Điểm chung của tất cả mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn chính là việc tất cả phụ phẩm, chất thải của mắt xích này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho mắt xích kia và vận hành liên tục. Chính vì vậy, các mô hình này khi đã đi vào ổn định hầu như sử dụng rất ít nguồn lực bên ngoài.
Ông Hoàng Xuân Hậu, Quản lý Trang trại Nắng và Gió (Ninh Thuận) cho biết, để vận hành một chuỗi tuần hoàn cần sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên. Điển hình như tại Trang trại Nắng và Gió có quy mô trên 50ha nhưng không tập trung mà phân tán thành nhiều mảnh khác nhau; trong đó, có một số khu vực đất đai không màu mỡ, rất khó để trồng các loại cây trồng chính như nho, táo hay dưa lưới. Những diện tích này được tận dụng để trồng cỏ, trồng bắp làm nguồn thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, tại Trang trại Nắng và Gió có riêng một chuyên gia cho việc nghiên cứu xử lý các loại phụ phẩm để tạo ra phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và nuôi trùn quế. Anh Lê Minh Vương, phụ trách mảng phân bón của Trang trại Nắng và Gió cho biết, về lý thuyết tất cả các loại phụ phẩm hữu cơ đều có thể xử lý để cho ra phân bón hữu cơ, tuy nhiên để đạt được hiệu quả tốt nhất cần chọn loại phân phù hợp cho từng cây trồng. Ví dụ như phân bò ủ hoai rất tốt cho các loại cây trồng lâu năm như ổi, táo, nho. Trong khi đó, cây dưa lưới lại nhạy cảm hơn và phù hợp với phân trùn quế.
Bằng việc xử lý triệt để lượng phụ phẩm thải ra từ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến, mỗi năm G.C Food thu được 500-1.000 tấn phân hữu cơ cùng một lượng chế phẩm sinh học, đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho các vườn cây mà không cần bổ sung thêm bất cứ loại phân bón hoá học nào khác.
Việc tối ưu hoá nguyên liệu, phụ phẩm tại chỗ cũng được áp dụng trong chuỗi sản xuất của Công ty Huy Long An. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho biết: Mô hình kinh tế tuần hoàn không có gì xa lạ với nông dân bởi nó tương tự mô hình “vườn – ao – chuồng” đã phổ biến từ lâu. Chỉ khác là trước đây phụ phẩm, chất thải được sử dụng trực tiếp làm đầu vào cho mắt xích tiếp theo thì hiện nay được xử lý bằng công nghệ vi sinh. Việc ứng dụng công nghệ vào xử lý vừa giúp nâng cao giá trị phụ phẩm vừa đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Võ Quan Huy, lượng phân bón hữu cơ sản xuất tại trang trại Long An đã đáp ứng được 90% nhu cầu phân bón của hệ thống trang trại Huy Long An (bao gồm cả Đồng Nai, Bình Dương), chỉ mua thêm dịch tôm cá và tro để phối trộn. Chủ động nguồn phân bón không chỉ giúp trang trại tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào và còn kiểm soát hiệu quả nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu - yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ sử dụng 100% phân bón hữu cơ mà toàn bộ diện tích chuối đều đạt chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu ổn định sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Giảm phát thải, tăng giá trị
TS. Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, một trong những vấn đề được cả thế giới quan tâm hiện nay là phát thải trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 triệu tấm rơm được tạo ra, tuy nhiên có tới 60% trong số đó được xử lý bằng cách đốt trên đồng ruộng. Việc này vừa làm mất dinh dưỡng vừa tạo ra lượng lớn khí thải và ô nhiễm. Việc đốt rơm rạ cũng làm mất đa dạng sinh học do làm chết các loại nấm, vi khuẩn và động vật có lợi sinh sống trong đất. Một phần rơm rạ khác lại được vùi trong ruộng ngập nước tạo ra tình trạng nhiễm động khí mêtan vừa gây bệnh cho cây trồng vụ sau.
Theo TS. Nguyễn Văn Hùng, ứng dụng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn vào chuỗi lúa gạo có thể thực hiện bằng cách thu rơm cho sản xuất nấm và thức ăn gia súc; sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, chất thải từ sản xuất nấm và chăn nuôi. Hiện nay các mô hình trồng nấm từ rơm cho lợi nhuận trung bình từ 50-100 USD/tấn. Trong khi đó, sử dụng rơm làm thức ăn cho bò có thể giảm 50% chi phí so với thức ăn sinh khối nhập khẩu.
“Xử lý rơm rạ đúng cách giúp giảm đến 30% tổng phát thải carbon của toàn bộ vòng đời cây lúa; không đốt đồng sẽ tránh ô nhiễm không khí, mất chất dinh dưỡng và mất đa dạng sinh học trên đồng ruộng. Điều này còn giúp chuỗi lúa gạo tiến tới các các chứng nhận thương hiệu xanh, chứng chỉ sản xuất carbon thấp, hữu cơ…giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp hơn”, TS. Nguyễn Văn Hùng phân tích.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm năm 2020 lượng phát thải từ hoạt động chăn nuôi đã tương đương gần 31 triệu tấn CO2. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện cam kết cắt giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu - COP26).
TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó trưởng Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, ngày nay công nghệ vi sinh đang rất phát triển và có nhiều sản phẩm/chế phẩm vi sinh hỗ trợ hiệu quả cho việc xử lý chất thải, kể cả khử mùi hôi trong khu vực chuồng trại.
Cùng đó, các thiết bị, mới phục vụ việc quản lý, chuyển đổi chất thải cũng đã được nghiên cứu phát triển. Cụ thể, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp với mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi quy mô trang trại thời gian qua được thử nghiệm và chuyển giao tại 10 tỉnh, thành đã cho kết quả ban đầu rất khả quan.
Nếu sử dụng máy tách phân cho trang trại chăn nuôi quy mô trên 2.000 con, máy phát điện khí sinh học ở những trang trại có nhu cầu sử dụng điện trên 30 triệu đồng/ tháng và đầu tư hệ thống tưới bằng nước thải sau bioga ở những trang trại có diện tích trồng trọt lớn đều cho tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5 - 6 năm. Tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn và thời gian hoàn vốn sẽ ngắn hơn ở những trang trại có quy mô chăn nuôi lớn hơn. Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, việc quản lý chất thải theo hệ thống còn là giải pháp xử lý môi trường khá toàn diện và bền vững.
Bên cạnh ứng dụng máy móc, công nghệ để xử lý thì mô hình dùng chất thải chăn nuôi để nuôi các loại côn trùng như trùn quế, ruồi lính đen hiện nay ở nhiều địa phương cũng mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi. Theo đó, việc nuôi các loại côn trùng vừa tạo được nguồn protein mới phục vụ cho hoạt động chăn nuôi, thủy sản vừa tạo nguồn phân bón hữu cơ từ phân của côn trùng. Đây là giải pháp bền vững có thể áp dụng cho cả cho chăn nuôi nông hộ giúp chủ động xử lý chất thải chăn nuôi và tăng thêm thu nhập.
Nguồn TTXVN