Những năm qua, Mỹ Latinh đã trở thành thị trường hấp dẫn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, đến nay Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả 33 quốc gia trong khu vực này. Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh tăng hơn 63 lần, từ 245 triệu USD năm 2000 lên 15,6 tỷ USD vào năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh đạt 8,25 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7,33 tỷ USD.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận với một số nước trong khu vực như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chile, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Cuba hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có 3 nước Chile, Peru, Mexico là thành viên. Sau khi CPTPP đi vào thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mexico tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu song phương tăng 45,8% so với năm 2018 (thời điểm CPTPP chưa có hiệu lực). 10 tháng năm 2021 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mexico đạt 3,8 tỷ USD, tăng 43,9%.
Đáng chú ý là từ “cánh cửa” Mexico, doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập thị trường các nước khu vực Mỹ Latinh như Peru, Brazil... Hay như thị trường Chile hiện nhập khẩu nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như điện thoại, linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… Theo Bộ Công Thương, đồ bảo hộ y tế; xơ, sợi các loại; túi tự phân hủy sinh học… là những sản phẩm của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu tốt sang thị trường Chile trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh đang đứng trước những vận hội to lớn cần nắm bắt bên cạnh những thách thức cần vượt qua để thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Hiện Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - khu vực Mỹ Latinh lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2025.
Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, mục tiêu này có thể thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp các nước khu vực Mỹ Latinh có chiến lược tiếp cận thị trường của nhau một cách bài bản, đồng thời tận dụng tối đa những ưu đãi hiện có và khai thác những tiềm năng vốn có trong thời gian tới khi kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh thương mại sang khu vực Mỹ Latinh, các doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác, kinh doanh. Đó là vấn đề khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải, đi lại kéo dài, chi phí cao. Bên cạnh đó là sự khác biệt về ngôn ngữ, thị hiếu tiêu dùng, việc thiếu thông tin về đất nước, con người, môi trường, cơ hội kinh doanh... Hay sự khác biệt về văn hóa cũng là vấn đề mấu chốt các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu khi thâm nhập thị trường rất tiềm năng này.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh khuyến cáo, để gia tăng xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá nhu cầu thị trường, xác định lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu kỹ các quy định của nước nhập khẩu... Song vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp cần tận dụng những lợi thế về công nghệ, bảo đảm chất lượng sản phẩm, tập trung khai thác sự khác biệt... nhằm thâm nhập tốt hơn tới thị trường tiềm năng này.
Đối với việc tận dụng các chính sách ưu đãi từ CPTPP, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang chỉ rõ, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do các quy tắc xuất xứ còn khá mới. Vì vậy, doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần chủ động trên mọi mặt trận, nắm bắt cơ hội về ưu đãi thuế quan, quy định về quy tắc xuất xứ của hiệp định.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương cùng với hệ thống thương vụ Việt Nam tại các nước Mỹ Latinh sẽ tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh tại khu vực này.
Theo Hanoimoi.com.vn