Các doanh nghiệp vận tải chịu nhiều thiệt hại nặng nề trước tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng vì nhiều lý do, số đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ không nhiều - Ảnh minh họa.
Điển hình cho sự chậm trễ đó là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục có 3 Công điện: 126, 252 và 290 đôn đốc các bộ, cơ quan và địa phương bảo đảm tiến độ công việc được giao liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP “Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ngày 30/1/2022; và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ
Cần biết, Nghị quyết 11/NQ-CP với thời hạn thực hiện trong năm 2022 và 2023 nhấn mạnh đến yếu tố hỗ trợ nhanh, khẩn cấp như: Giảm 2% thuế VAT. Chính sách này rất cần thiết trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp “biến mất”, nhiều doanh nghiệp “chết lâm sàng” và cộng đồng doanh nghiệp trông đợi vào sự hỗ trợ, vào chính sách mới để “hồi sinh”, để bước tới.
Một minh chứng khác, ngày 28/3/2022, Thủ tướng có Quyết định số 08/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Với 6.600 tỷ đồng hỗ trợ thì 3,4 triệu người lao động được thụ hưởng. Tiếp đó, ngày 31/3, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có hướng dẫn văn bản chi tiết tới các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai để khoản tiền hỗ trợ sớm tới tay người lao động đang thuê nhà trọ, tạo động lực để người lao động sớm gia nhập thị trường lao động.
Theo đó, tính từ khi doanh nghiệp chuyển hồ sơ sang Bảo hiểm xã hội đến khi UBND tỉnh duyệt xong chỉ là 6 ngày. Nhưng rồi, cho đến nay, vẫn lại là “độ trễ” của thực thi. Rất nhiều người lao động vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này.
Điều này thật khó chấp nhận trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa duy trì hoạt động kinh tế diễn ra bình thường chính là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với đất nước và nhân dân Việt Nam.
Bởi ai cũng biết, “thích ứng” có lẽ là cụm từ được nói nhiều về kinh tế trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hoành hành trên lãnh thổ nước ta. Dù ở trong giai đoạn chống dịch nào, chúng ta cũng có cách bảo toàn nền kinh tế để hạn chế tối đa “dư chấn” của cơn bão COVID-19.
Trong giai đoạn khó khăn đó, Chính phủ vẫn cố gắng rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, tránh tình trạng đứt gãy sản xuất. Từ việc trích ngân sách hỗ trợ, giảm mức thuế, hoãn kỳ hạn đóng thuế.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tạo ra luồng xanh trong giao thông để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Thậm chí, khi TP.HCM đã bước vào giai đoạn “sống chung với dịch”, Chính phủ vẫn nói rõ quan điểm hỗ trợ các doanh nghiệp giữ được hợp đồng đã ký kết và hoàn tất đơn hàng. Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát.
Có thể thấy, từ đầu đến cuối, Việt Nam vẫn luôn tâm niệm tính mạng và sức khỏe của người dân là quan trọng nhất nhưng bên cạnh đó, Chính phủ chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, trở lại trạng thái “bình thường mới” để phát triển kinh tế-xã hội, không để kinh tế đổ gãy, không để đại dịch tàn phá đất nước.
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam đã bày tỏ mong đợi sự phục hồi kinh tế Việt Nam bởi ông cho rằng “quốc gia này đã sẵn sàng để định vị lại chính mình”.
Điều này cũng có nghĩa, Chính phủ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ kiến tạo, khi hỗ trợ đã có, chính sách đã có, nhưng vấn đề lại vướng ở chỗ triển khai. Tất nhiên, việc này không chỉ phụ thuộc vào một cơ quan, một địa phương mà phải có sự phối hợp triển khai đồng bộ, nhịp nhàng.
Cơ quan nào, địa phương nào cũng phải coi đó là việc của mình thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ, mới loại bỏ được tâm lý “độ trễ” để không thể dựa vào đó mà tránh trách nhiệm, đùn đẩy, làm hỏng đại sự quốc gia.
“Độ trễ” của chính sách càng ngắn thì hiệu quả càng cao, nếu không nguy cơ thụt lùi của chính sách với thực tiễn luôn hiện hữu./.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp