Dây chuyền chế biến xoài xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. Ảnh: TTXVN
Với sự chuẩn bị tích cực của Chính phủ, doanh nghiệp và nông dân, ngành hàng cà phê đã có những biến chuyển đáng ghi nhận để nắm bắt kịp thời cơ hội do hội nhập mang lại. Trong thời gian vừa qua, một loạt chương trình/dự án lớn đã được triển khai hiệu quả trong sản xuất, chế biến cà phê. Tỷ lệ cà phê có xác nhận canh tác bền vững đã tăng lên ở mức 60% tổng diện tích canh tác. Tỷ lệ cà phê chế biến tăng từ mức 5% năm 2015 lên đến 15% năm 2020.
Việt Nam còn có lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh thái với chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cùng với sự phân hóa địa hình tạo nên các tiểu vùng sinh thái có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả.
Rau quả tươi cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU khi đây là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam. Với nền tảng này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam, nhất là với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Bởi vậy giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, từ khi có Hiệp định EVFTA, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng của các nước châu Âu. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng của công ty đối với thị trường EU sẽ ở mức 20% so với năm trước. Để sản phẩm không chỉ đáp ứng được với thị trường EU mà ngay cả với các thị trường khó tính khác như Mỹ, Australia, Canada…, các loại trái cây tươi của công ty đều đạt chuẩn quốc tế HACCP, GlobalGAP…, được theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt từ vùng trồng đến lúc đóng gói và có thể truy xuất nguồn gốc.
Với thủy sản, nhiều mặt hàng như tôm, mực, cá ngừ… đã có sự tăng trưởng vượt bậc vào thị trường EU sau khi Hiệp định được thực thi. Là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3, EU luôn chiếm trên 17 - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã sớm chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Không chỉ những mặt hàng trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, Hiệp định còn xóa bỏ thay thuế và không áp dụng hạn ngạch với mật ong; dành hạn ngạch cho đường trắng và sản phẩm chứa đường trên 80%, tinh bột sắn, ngô ngọt, tỏi, nấm. Đây là cơ hội cho nông sản Việt gia tăng thị phần tại EU.
Không chỉ Công ty Vina T&T Group, tận dụng nhanh cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, nguồn lực, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU. Đó là đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn từ sản xuất đến chế biến, đóng gói, đáp ứng quy định của thị trường EU. Từ đó khẳng định chất lượng hàng nông sản, tạo vị thế vững chắc trên trường.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, với các hiệp định thương mại tự do; trong đó có EVFTA, ngành nông nghiệp có lợi thế trên ba trụ cột. Đó là thương mại xuất khẩu nông sản, hợp tác tiếp thu công nghệ, nhất là công nghệ chế biến và nâng cao năng lực quản lý thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển thị trường.
Để đón nhận các hiệp định thương mại tự do, ngành nông nghiệp đã và tiếp tục triển khai tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân để hình thành quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến thương mại, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm./.
Nguồn TTXVN