Và, trên diễn đàn Quốc hội tuần qua, nhiều phiên thảo luận tập trung bàn thảo giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động khi chủ doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục kiến nghị giảm giờ làm hay sớm thông qua việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với sức tăng của hầu hết nhóm hàng hóa thiết yếu…
Qua đó cùng lúc bổ sung những điều khoản xác đáng hơn để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, ban hành nhiều quyết sách có tính nền tảng và “dẫn trước” cho xu thế ngành nghề, lao động tương thích với lộ trình tái cấu trúc các ngành nghề - lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, là đô thị đầu tiên cả nước thành lập Quỹ An sinh xã hội, TPHCM đã tiến tới kiện toàn tổ chức pháp nhân và phương thức hoạt động chuyên nghiệp, quy củ với tư cách một trụ cột quan trọng và là thước đo văn minh trong quản trị xã hội của chính quyền thành phố.
Một “phát hiện” khá thú vị trong hội thảo gần đây tại Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Người lao động nhập cư hầu như đã hòa nhập vào lực lượng lao động tại chỗ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố. Trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, tỷ lệ lao động nhập cư không có sự chênh lệch nhiều. Thậm chí, trình độ lao động nhập cư có khi, có ngành cao hơn trình độ lao động tại chỗ khi phần lớn lao động chất lượng cao tại thành phố đã chuyển đổi đến môi trường làm việc khác tốt hơn, có thu nhập cao hơn.
Với thực tế đó, cộng với sức hút tự thân của vùng “đất lành chim đậu” nên Chiến lược Lao động và việc làm của thành phố đã định vị rõ vai trò của lao động nhập cư cũng như thiết lập tính công bằng đối với lao động nhập cư, lao động tại chỗ. Vấn đề quan trọng là trong xu thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển, nhu cầu lao động đa dạng, có trình độ kỹ thuật - công nghệ cao, năng lực đổi mới sáng tạo thì người lao động nhập cư hoặc tại chỗ rất cần có sự chuẩn bị từ đào tạo đến rèn luyện, trải nghiệm trong môi trường “số” và đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Rõ ràng, lao động có chất lượng, trình độ và kỹ năng phù hợp với thị trường TPHCM không thiếu. Điều đáng lưu tâm là chính sách thu hút và giữ chân người lao động phải đảm bảo mức thu nhập, đãi ngộ và cơ hội thăng tiến, nhất là đối với lao động nhập cư, vốn có tính linh hoạt dịch chuyển cao hơn lao động tại chỗ. Hơn nữa, trong quá trình dịch chuyển, thay đổi mang tính căn bản này, sẽ “dôi dư” một lượng lớn lao động không đáp ứng được yêu cầu, trái ngành nghề mà thị trường mới đang cần, bị thay thế bởi dây chuyền công nghệ, trí tuệ nhân tạo, robot…
Đây chính là lúc Quỹ An sinh xã hội được phát huy, phủ rộng, với tập tính tương trợ, “thương người như thể thương thân” của cộng đồng.
Ngoài tổ chức quỹ, thành phố có thể thúc đẩy thực thi mạnh mẽ Chiến lược Lao động và việc làm với những chính sách căn cơ để không bị động trước tình trạng thất nghiệp diện rộng. Trong đó, thành phố có thể tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, chỗ ở cho người lao động, nhất là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở cho người có thu nhập thấp, lao động nhập cư.
Mặt khác, thường xuyên quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì điều đó góp phần giải quyết khó khăn cho người lao động. Trong đó áp dụng đầu tư công cho gói hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, mở rộng thị trường mới với lợi thế trong nước. Doanh nghiệp nên chăng cam kết đảm bảo phúc lợi cho người lao động ở mức cơ bản. Đôi bên cùng phối hợp để xây dựng các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động trung niên…
Suy cho cùng, vấn đề căn cơ là đào tạo, tái đào tạo cho quá trình chuyển đổi nghề, đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động mới hay thực thi bền bỉ chính sách an sinh xã hội sâu rộng.
Nguồn SGGP