Ngày 7/8, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thời gian qua, hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp có nhiều đổi mới, thực hiện có hiệu quả phương châm “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”.
Việc triển khai nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, từ đó khuyến khích sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước, góp phần đưa hoạt động của Mặt trận ngày càng thiết thực, gắn với lợi ích trực tiếp của nhân dân, nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của toàn xã hội…
Từ những ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, trong 3 nội dung đột phá chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ XIII thì đột phá cơ chế về quyền làm chủ của nhân dân chưa được thể hiện rõ. Đảng đoàn MTTQ Việt Nam mong muốn, trong nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng sắp tới, cần nghiên cứu, đưa vào nội dung về cơ chế giám sát của nhân dân.
Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đề xuất cần có kế hoạch kiểm tra các tổ chức đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương về chấp hành chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác vận động quần chúng.
Đồng thời hàng năm, Thường trực Ban Bí thư giao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, từ kết quả giám sát sẽ giúp MTTQ Việt Nam tổng hợp, báo cáo với Ban Bí thư, Bộ Chính trị về tình hình nhân dân tại thời điểm giám sát.
Đề cập đến nội dung chuyển đổi số trong MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến kiến nghị, cùng với việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cần bổ sung thêm cho Mặt trận nhiệm vụ lắng nghe dư luận xã hội, tổng hợp dư luận xã hội trên hệ thống phần mềm để Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những thông tin đa chiều và “đúng với lòng dân”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ghi nhận và đánh giá cao cách làm đổi mới, có nhiều sáng tạo, đặc biệt là những kết quả của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Đến nay, đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện; tập trung chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thành công Đại hội và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, làm sao để giữ vững và phát huy thế mạnh của mình, đồng thời khắc phục những khuyết điểm, hạn chế.
Ông Lương Cường đề nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần quán triệt, tổ chức thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 43 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; đặc biệt là tuyên truyền Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Theo Thường trực Ban Bí thư, Đại hội XIV là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, trong nhân dân, trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, công tác tuyên truyền phải thống nhất về nhận thức từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời chú trọng tới nội dung văn kiện và công tác nhân sự của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, đề ra giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025.
Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh, phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Mặt trận trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên để tạo sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy mặt trận các cấp.