Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp.
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố. Trong 4 nhóm cơ chế, chính sách mà Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội ra quyết nghị cho TP.HCM, thì đến nay 3 nhóm chính sách tạo đồng thuận cao của ĐBQH là: Các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; các cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; Các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội.
Riêng đối với nhóm về các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa còn có ý kiến khác nhau như vấn đề: liên quan đến phân bổ, bố trí vốn đầu tư công; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố; đáng chú ý là quy định cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực như sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần “TP.HCM vì cả nước - cả nước vì TP.HCM”.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: "Các dự án có danh mục đầu tư công thành phố tiếp tục bố trí vốn; còn chưa có danh mục đầu tư công thì Hội đồng nhân dân thành phố có thẩm quyền bổ sung danh mục".
Liên quan đến thanh toán hợp đồng BT, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cơ sở chính trị, thực tiễn và sự tương đồng với các dự án Luật, nghiên cứu ý kiến đề xuất trong việc dùng quỹ đất thanh toán cho các dự án BT.
Về chính sách ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm 1 điều khoản thi hành đảm bảo chặt chẽ, kín kẽ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý./.
Lại Hoa/VOV1