Ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ
Sau Đại hội XIII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là công tác cán bộ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được kết quả rất quan trọng. Bằng chứng là liên tiếp trong các kỳ họp thường kỳ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hay tại các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương liên tục “gọi tên” các cán bộ mắc sai phạm.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có hơn 40 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm đã nhận các hình thức kỷ luật nghiêm minh từ kỷ luật Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Điều đáng nói, trong số này, có cán bộ mới được bổ nhiệm thời gian ngắn thì bị khai trừ ra khỏi Đảng, khởi tố vì những sai phạm trước đó.
Để lựa chọn nhân sự đủ phẩm chất, năng lực để “đứng mũi chịu sào” là điều không phải dễ mà cần phải có con mắt lựa chọn “tinh đời” cùng với một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ. Để tránh tình trạng đúng quy trình nhưng không đúng người, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng chính là phải ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm chính trị của người giới thiệu ban đầu.
Nhìn vào con số cán bộ cấp cao bị kỷ luật do mắc những sai phạm trước đó, Tiến sĩ Lê Trung Kiên – Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ở đây có trách nhiệm của những người đề bạt, giới thiệu, tiến cử. Bởi trên thực tế, khi giới thiệu cán bộ, không phải cả tập thể đồng loạt giơ tay giới thiệu một người, mà phải có một người đề xuất, khởi xướng. Hơn ai hết, chính người giới thiệu ban đầu nắm chắc nhất lý lịch, tài năng, phẩm chất của người được giới thiệu nên phải có trách nhiệm bảo đảm việc tiến cử là đúng người.
Theo TS Lê Trung Kiên, từ việc cán bộ bị kỷ luật cần xem xét tình tiết trên hai góc độ để ràng buộc và xác định trách nhiệm của cấp ủy, người giới thiệu nhân sự đó. Một là, cán bộ có sai phạm trước khi được cấp ủy, người đứng đầu giới thiệu thì cần phải làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý về mặt đảng và chính quyền đối với cấp ủy, người đề cử nhân sự; thậm chí xác định hình thức kỷ luật cấp ủy, người đề cử có liên đới căn cứ vào hình thức kỷ luật của cán bộ mắc sai phạm.
Hai là, đối với cán bộ sai phạm trong quá trình thực thi chức trách thì cần xác lập trách nhiệm cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để rút kinh nghiệm, nếu có sai phạm thì căn cứ quy định hiện hành để xử lý nghiêm.
“Những quy định rõ ràng về trách nhiệm cấp ủy, trách nhiệm người đề cử trong tổ chức cũng như quyền hành của người đứng đầu trong giới thiệu nhân sự là yếu tố hết sức quan trọng trong quy trình tổ chức cán bộ diễn ra dân chủ, khoa học, minh bạch và đúng người” – ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm phải ràng buộc trách nhiệm của người giới thiệu trong quy trình nhân sự, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm – Trưởng Khoa Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng đây sẽ là bước tiến mạnh mẽ để khắc phục những tiêu cực, hạn chế tồn tại trong nhiều nhiệm kỳ trước đó.
Theo vị Trưởng khoa, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 26 (năm 2018) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra là “quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp uỷ viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài”.
Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng đề ra nhiệm vụ: “Thí điểm chủ trương người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; Bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên Ban Thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu”. Thông tin từ Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Quy định số 50 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về công tác quy hoạch cán bộ tổ chức ngày 25/1/2022 cũng cho thấy, Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành quy định về trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiến cử, đề cử cán bộ.
“Chủ trương, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ đã rõ ràng và chúng ta đang chờ đợi một quy định được ban hành, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, Bí thư cấp uỷ, người đứng đầu đơn vị khi giới thiệu, tiến cử “nhầm” cán bộ; có cơ sở xử lý trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong giới thiệu, tiến cử “nhầm” người như thế nào và thậm chí có thể cả những hình thức xử lý kỷ luật Đảng nếu đến mức phải xử lý kỷ luật”- TS Nguyễn Thị Trâm cho biết.
Tránh tình trạng cá nhân “núp bóng” tập thể
Theo Trưởng khoa Xây dựng Đảng, công tác cán bộ liên quan đến sự sống còn của Đảng, vì vậy, mỗi đảng viên cần nhìn thấy trách nhiệm của mình trong mỗi quyết định giới thiệu, tiến cử, cũng như trong mỗi lá phiếu bầu, đặc biệt là cấp uỷ, người đứng đầu càng cần phải xác định trách nhiệm to lớn hơn.
Do đó, người giới thiệu, tiến cử cần phải có trách nhiệm liên đới đối với người được tiến cử. Quy định này không chỉ có tác động nâng cao ý thức trách nhiệm của người tiến cử ngay lúc giới thiệu mà còn ràng buộc trách nhiệm của họ trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, uốn nắn, động viên, khuyến khích cán bộ được giới thiệu tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và trong công tác.
Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều cán bộ khi được tiến cử, giới thiệu là người có tâm, có tài nhưng khi nhận nhiệm vụ công tác mới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, do đó mức độ trách nhiệm của người tiến cử, giới thiệu cần phải được cân nhắc với những tiêu chí cụ thể hơn, ví dụ khoảng thời gian từ giới thiệu, tiến cử cho đến lúc được bổ nhiệm, lúc vi phạm…
Theo bà Nguyễn Thị Trâm, một yêu cầu cũng nên lưu ý, đó là cần quy định để xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân trong việc giới thiệu, tiến cử “nhầm” người, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân để tránh những tình trạng cá nhân “núp bóng” tập thể, hoặc lợi dụng “đoàn kết xuôi chiều” trong đơn vị, mưu cầu lợi ích cá nhân trong việc giới thiệu, tiến cử nói riêng và trong công tác cán bộ của Đảng nói chung.
Cùng chung quan điểm, TS Lê Trung Kiên cũng cho rằng, hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng thời gian vừa qua tiếp tục đặt ra yêu cầu đối với cấp ủy, người đứng đầu cần phải chuẩn bị nhân sự thật kỹ lưỡng, bàn bạc thấu đáo, chặt chẽ; công tác nắm bắt và đánh giá cán bộ phải bài bản, đặc biệt là việc chú trọng phẩm chất, tư cách và uy tín chính trị trong lịch sử quá trình công tác của cán bộ được đề cử.
“Người đề cử cũng phải cân nhắc, công tâm, tin cậy về trường hợp mình giới thiệu, không được cục bộ, nể nang, cánh hẩu và cũng không thể bổ nhiệm cán bộ theo lối “giã gạo” như Bác Hồ từng chỉ dạy. Để từ đó, cấp ủy có cơ sở xem xét, cất nhắc và đưa vào quy trình bổ nhiệm cán bộ” – TS Kiên nhấn mạnh./.
Kim Anh/VOV.VN