Gây tội ác bằng chất độc hóa học lớn chưa từng có
Để đối phó với khí thế cách mạng đang lên cao tại Miền Nam những năm 1960-1961 sau thắng lợi của phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre và các tỉnh lân cận, đế quốc Mỹ và tay sai bắt đầu xây dựng kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học ở miền Nam. Ngày 10/8/1961, chúng bắt đầu phun rải chất độc màu dam cam/điôxin xuống miền Nam Việt Nam. Các máy bay H34 của Mỹ phun rải không chỉ bay ban ngày mà cả ban đêm, vừa che lấp dư luận, vừa tránh sự chống trả của quân Giải phóng. Chúng còn đặt máy phun Buffalo turbine trên ô tô, tàu hỏa để phun rải nhiều lần trong một khu vực. Nguy hiểm và tàn độc hơn, chúng còn sử dụng chất này để giải tán các đoàn người biểu tình, điển hình như tại Huế ngày 3/6/1963.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh minh họa: internet
Theo số liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, trong vòng 10 năm (1961 – 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng “80 triệu lít hóa chất các loại, bao gồm 55 triệu kilogam hóa chất diệt cỏ” xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam. Trong đó, có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg. Những bằng chứng về hoạt động phun rải chất độc hóa học ở miền Nam của quân đội Mỹ và đồng minh là không thể chối bỏ. Các hoạt động đó đã gây hậu quả hết sức nặng nề đối với môi trường và con người Việt Nam.
Hậu quả thảm khốc và nỗi đau xuyên thế kỷ
Hai từ “thảm họa” đã phần nào nói lên những hậu quả khủng khiếp, lâu dài của chất độc da cam do đế quốc Mỹ và tay sai gây ra không chỉ với Việt Nam mà còn cả những người lính Mỹ tham gia chiến trường. Những hậu quả nghiêm trọng đối với con người không chỉ hiện hữu ở những người trực tiếp bị nhiễm dioxin (ung thư, thần kinh, bệnh tật, tai biến sinh sản, quái thai, dị dạng…) mà còn để lại di chứng cho nhiều thế hệ, khiến nỗi đau kéo dài. Thật khủng khiếp khi biết rằng có tới 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, nhiều phụ nữ không thể làm mẹ, hàng vạn trẻ em dị tật, dị dạng.
Ngay cả những người lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia... tham chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam. Theo nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân - Không quân Mỹ ở Việt Nam giai đoạn 1968 - 1970, ít nhất 2,6 triệu lính Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam; Hàn Quốc có 100.000 trong tổng số 300.000 lính từng tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó 20.000 người đã chết. Sau chiến tranh, người Mỹ còn phải đối mặt với “Hội chứng da cam” đeo đẳng toàn xã hội trong mội thời gian dài.
Chất độc da cam/dioxin hủy hoại môi trường ở Việt Nam. Ánh minh họa: internet
Chất độc màu da cam còn hủy hoại môi trường nghiêm trọng và lâu dài. Nhiều khu rừng nguyên sinh ở các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bị tàn phá. Môi trường toàn miền Nam bị ô nhiễm nặng nề, hệ sinh thái bị đảo lộn, một số loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; cây cối không phát triển hoặc bị chết, làm cho khí hậu vùng cũng bị thay đổi, đất đai bị xói mòn, hoang hóa. Đặc biệt, ở một số điểm nóng như sân bay Đà Nẵng, Phù Cát hay Biên Hòa… đến nay môi trường vẫn còn ô nhiễm rất nặng nề.
Thừa nhận và từng bước khắc phục
Trước những tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, dư luận quốc tế đã phản đối mạnh mẽ, đòi chấm dứt ngay việc sử dụng chất độc màu da cam tại Việt Nam. Năm 1964, Báo Washington Post của Mỹ đưa tin “Mỹ đã hủy hoại mùa màng ở vùng châu thổ sông Mê Công”. Trong một bài viết đăng ngày 20/12/1970, báo The Times của Anh cung cấp thông tin “từ năm 1962 đến nay, hơn 5 triệu acres (khoảng 2 triệu ha) tương đương với 1/8 diện tích miền Nam Việt Nam đã bị phun rải chất diệt cỏ với liều lượng trung bình cao hơn 15 lần liều lượng được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép ở Mỹ”. Ngay cả Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học của Mỹ (AAAS) cũng phải thừa nhận “Việc sử dụng chất độc hóa học và sinh học có thể làm thay đổi môi trường, gây tác hại lâu dài cho con người và hệ sinh thái”. Sự lên tiếng của công luận thế giới và trong chính nước Mỹ đã tác động mạnh mẽ lên chính quyền Washington, góp phần vào việc chấm dứt chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam đầu năm 1971.
Sau chiến tranh, chính quyền Mỹ đã thừa nhận và từng bước giải quyết hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam. Ngay từ năm 1979, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) trình Quốc hội Mỹ: “Nếu không có các biện pháp hiệu quả để phục hồi rừng, thì hậu quả xấu của việc sử dụng chất diệt cây sẽ hành hạ Việt Nam trong vòng 100 năm nữa”.
Lễ ký bản ghi nhận hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam. Ảnh minh họa: internet
Tháng 3/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen tuyên bố hợp tác với Việt Nam nhiều hơn trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất da cam. Tháng 11/2006, Tổng thống Mỹ G.Bush, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.
Tiếp đó, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân chất độc da cam. Chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và đã thỏa thuận thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum). Đây là những nỗ lực của cả hai phía trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh nói chung, chất độc da cam nói riêng ở Việt Nam.
Hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam còn kéo dài. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục chăm lo cho những nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn về vật chất và tinh thần. Đồng thời, cần tiếp tục nói lên tiếng nói của lương tri và trách nhiệm, đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam./.
Hòa Phạm