Sự tham gia tích cực của thành viên với cả hai vai trò KHÁCH HÀNG – CHỦ SỞ HỮU giúp họ gắn bó bền chặt với HTX. Ảnh: Internet
Lợi thế lớn nhất và cũng là đặc trưng lớn nhất của HTX là tính dân chủ bình đẳng giữa các thành viên HTX. Thành viên vừa là khách hàng, vừa là đồng chủ sở hữu của HTX. Ý kiến của thành viên vừa là ý kiến của khách hàng, vừa là ý kiến của những ông chủ, bà chủ, những người đồng chủ sở hữu HTX.
Mỗi thành viên bình đẳng như nhau, mỗi người chỉ có một phiếu biểu quyết duy nhất, bất kể người đó góp vốn bao nhiêu. Người góp vốn rất nhiều cũng chỉ có một phiếu biểu quyết, không thể thao túng được HTX. Mô hình HTX khác với các mô hình doanh nghiệp đối vốn khác ở chỗ đó. Đây chính là điều làm nên khác biệt cốt lõi giữa HTX và các doanh nghiệp đối vốn này.
Quy định đại hội đại biểu liệu có lạc hậu?
Tuy nhiên, đặc trưng lợi thế đó của mô hình HTX đã bị quy định của dự thảo Luật HTX tiếp tục làm suy giảm hay hạn chế đi đáng kể. Nói là “tiếp tục”, bởi vì quy định bất cập, không có lợi này đã tồn tại hơn 10 năm qua với Luật HTX 2012. Đó là quy định tại điều 41 về Cuộc họp Đại hội thành viên của HTX. Theo quy định này, HTX có trên 50 thành viên chính thức có thể tổ chức ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU.
Số lượng đại biểu tham dự đại hội được quy định là “a) Không được ít hơn 50% tổng số thành viên chính thức đối HTX có từ trên 50 đến 100 thành viên chính thức; b) Không được ít hơn 30% tổng số thành viên chính thức đối với HTX có từ trên 100 đến 300 thành viên chính thức; c) Không được ít hơn 20% tổng số thành viên chính thức đối với HTX có từ trên 300 đến 1000 thành viên chính thức; d) Không được ít hơn 200 đại biểu thành viên chính thức đối HTX có trên 1000 thành viên chính thức”.
Như vậy, vấn đề đang được đề cập ở đây là quy định cho phép đại hội đại biểu thay thế ĐẠI HỘI TOÀN THỂ THÀNH VIÊN hàng năm. Trước kia, nhất là thời bao cấp, thời kinh tế kế hoạch tập trung, HTX kiểu cũ có quy mô toàn xã hoặc liên thôn, có tới hàng nghìn xã viên. Khi đó, có thể hiểu được lí do chính là giảm chi phí tổ chức, không có địa điểm, hội trường cho hàng nghìn đại biểu. Mặt khác, khi đó là HTX kiểu cũ, mặt bằng pháp lý không phát triển như hiện nay, vào HTX gần như là bắt buộc ở nông thôn, và đại hội xã viên lúc đó cũng tương đối hình thức, nếu không muốn nói là rất hình thức(?!).
Còn hiện nay, mặt bằng pháp lý chung đã khác trước và phát triển hơn rất nhiều. Mỗi thành viên là một người chủ sở hữu cho phần góp vốn của họ, là đồng sở hữu HTX với tư cách pháp nhân là một tổ chức kinh tế, có vốn điều lệ. Thành viên của HTX kiểu mới ngày nay, khác hoàn toàn thành viên của một tổ chức đoàn thể hay một tổ chức xã hội nào đó, nên việc quy định đại hội đại biểu không hoàn toàn đơn giản như vậy, xét về góc độ pháp lý. Đại hội thành viên của HTX kiểu mới ngày nay có tính pháp lý rất cao, rất quan trọng như đúng các chức năng và thẩm quyền của Đại hội quy định trong điều 40 của Dự thảo luật HTX. Vì vậy, đại hội thành viên là nơi tốt nhất, quan trọng nhất để HTX thể hiện tính dân chủ bình đẳng, lợi thế và đặc trưng của mô hình HTX. Mỗi người một phiếu bầu duy nhất, không ai hơn ai, bất kể thành viên đó góp vốn bao nhiêu, đang giữ chức vụ gì.
Thành viên vừa là khách hàng, vừa là chủ sở hữu
Ý kiến của thành viên HTX với tư cách khách hàng sẽ cho HTX biết nhu cầu, mong muốn sử dụng dịch vụ của thành viên. Họ cần và muốn sử dụng dịch vụ gì, loại nào, chất lượng ra sao, và giá cả bao nhiêu là chấp nhận được, là hấp dẫn đối với họ. Dịch vụ của HTX càng tốt, đáp ứng được nhu cầu của thành viên, giá dịch vụ của HTX càng rẻ, càng hợp lý, càng cạnh tranh thì càng khuyến khích, thu hút thành viên HTX sử dụng dịch vụ của HTX.
Còn ý kiến của thành viên HTX với tư cách là ông chủ, bà chủ đồng sở hữu HTX sẽ lại là những ý kiến định hướng, là yêu cầu của người chủ để HTX phải tổ chức hoạt động ra sao, chiến lược nào, để HTX triển khai dịch vụ như mong muốn, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trong khi ý kiến của khách hàng là ý kiến, thông tin từ phía thị trường, thì ý kiến của thành viên là ý kiến có tính quyền lực, có tính pháp lý từ phía chủ sở hữu của tổ chức kinh tế và được pháp luật, điều lệ quy định, thừa nhận.
Nếu HTX không thực hiện theo đa số ý kiến của tập thể đồng chủ sở hữu, có thể bị nhiều sức ép phải thay đổi định hướng, chiến lược kinh doanh. Thậm chí, nếu ban lãnh đạo sẽ phải chịu sức ép thay nhân sự, xấu nhất có thể là phải từ chức, hay bị bãi miễn, bãi nhiệm. Việc từ chức, bãi miễn, bãi nhiệm này có thể không liên quan gì đến việc vi phạm pháp luật. Đơn giản là điều hành quản trị kinh doanh không như mong muốn của số đông, của đa số tập thể các thành viên, tức đa số các đồng chủ sở hữu HTX.
Với quy định của dự thảo luật HTX như trên, nếu HTX có 51 thành viên thì chỉ cần mời 26 đại biểu là hợp pháp. Nếu HTX có 101 thành viên, chỉ cần mời 34 đại biểu là đáp ứng tỷ lệ 30%, hay nếu có 301 đại biểu, chỉ cần mời 61 đại biểu là đủ tỷ lệ 20%.
Và điều rất đáng băn khoăn, lo ngại nữa là không có quy định bầu, chọn, cử hay mời đại biểu như thế nào, theo tiêu chí nào. Và ai là có thẩm quyền chọn hay cử hoặc mời đại biểu dự đại hội? Vấn đề nguy cơ có thể xảy ra là khi nội bộ thành viên có ý kiến khác nhau, đặc biệt về nhân sự. Rất có thể đại biểu hay đa số đại biểu được mời dự họp là người một “bên” nào đó có chủ đích.
Như vậy những lợi thế hay đặc trưng đối nhân của HTX, tính dân chủ bình đẳng của HTX đã bị biến tướng, làm sai lệch. Ý kiến của đa số 60%-70% tại đại hội đại biểu chưa chắc là đa số 50% tại đại hội toàn thể. Trong trường hợp ví dụ này, quyết định của HTX chưa chắc là quyết định của đa số tập thể tất cả thành viên HTX.
Giải quyết vấn đề này như thế nào?
Rõ ràng đây là một bất cập của dự thảo luật HTX đang trình xin ý kiến để thông qua, có thể vô tình, hay vô ý, hay thói quen kế thừa?! Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào? Thực ra rất đơn giản, vì mặt bằng pháp lý chung và của chính khu vực HTX đã khác trước. Chỉ cần quy định đại hội toàn thể thành viên và cho phép thành viên được ủy quyền bằng văn bản cho người khác dự họp, theo các quy định pháp luật là có thể giải quyết được. Một thành viên có thể nhận một, hai hay hàng chục ủy quyền không có vấn đề gì.
Hiện nay các loại hình công ty, doanh nghiệp khác đều đã thực hiện như vậy. Thực tế nước ta hiện nay, có doanh nghiệp đại chúng có vài nghìn hay hai ba chục nghìn cổ đông, vẫn tổ chức suôn sẻ, minh bạch, hợp pháp bằng cách cho ủy quyền này. Trên thế giới có doanh nghiệp niêm yết có tới hàng trăm nghìn cổ đông vẫn làm được ổn thỏa.
Ở đây xin nhắc lại, HTX là một tổ chức kinh tế, có vốn điều lệ, có đăng ký kinh doanh. Và chủ sở hữu tổ chức kinh tế này là TẬP THỂ TẤT CẢ các thành viên góp vốn. Các thành viên này hoàn toàn bình đẳng như nhau, mỗi người một phiếu, và có thể ủy quyền cho người khác thay mình dự đại hội thành viên.
Tóm lại, dự thảo luật HTX cần phải bỏ nội dung cho phép đại hội đại biểu, chỉ cần quy định hướng dẫn ủy quyền tham dự đại hội thành viên như thông lệ chung, phù hợp với quy định và mặt bằng pháp lý hiện nay. Như vậy, HTX cũng như các thành viên HTX càng có thêm cơ hội thể hiện và đóng góp vào quá trình phát triển HTX.
Và sự đóng góp này không chỉ là tham gia sử dụng dịch vụ của HTX với tư cách khách hàng, mà đóng góp với tư cách là người đồng chủ sở hữu của HTX. Chính sự tham gia tích cực của thành viên với cả hai vai trò KHÁCH HÀNG – CHỦ SỞ HỮU này giúp họ gắn bó bền chặt với HTX. Và cũng chính điều đó lại càng đem lại và khuyến khích tính dân chủ bình đẳng của HTX, một lợi thế và đặc trưng riêng của HTX mà các tổ chức kinh tế khác, doanh nghiệp khác không có được.
Phạm Quang Vinh (theo VNBusiness)